MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh nghiệm đeo bám Steve Jobs và cách để có cuộc hẹn với bất kỳ một V.I.P nào

22-11-2011 - 09:44 AM |

Sau khi kiên trì gửi 7 lá thư và 12 cuộc điện thoại, Christine Comaford đã có được cuộc gặp gỡ với Steve Jobs.

Tôi từng là một CEO trẻ, có rất nhiều điều khúc mắc và tôi cần có câu trả lời. Steve Jobs có chúng. Chỉ còn một việc phải làm.

Vì vậy, tôi đã gửi một bức thư qua dịch vụ chuyển phát nhanh FedEx.

Tôi gửi thêm một cái khác nữa.

Tiếp theo tôi gọi điện thoại.

Sau đó tiếp tục gửi một thư FedEx nữa, và tiếp tục gọi điện vài lần nữa. Cuối cùng, sau 7 thư FedEx và 12 cuộc gọi, thư ký của Steve gọi báo rằng ông ấy muốn nói chuyện với tôi.

“Cô liên tục gửi thư và gọi điện thoại. Vậy hãy dừng mọi việc tại đây. Cô muốn gì?” Steve nói với một chất giọng thu hút.

“Chỉ cần 5 phút của ông. Tôi thực sự ngưỡng mộ tài năng của ông và với vị trí là một CEO trẻ, tôi có vài câu hỏi mà không ai đưa cho tôi câu trả lời được cả”

“Mang theo đồng hồ bấm giờ đi.”

“Tôi sẽ mang. Ồ vâng, cám ơn.”

Ông ấy cúp máy.

Kế hoạch ban đầu của tôi là có được 5 phút lời khuyên quý giá, học hỏi cách mà Steve tư duy, đắm mình trong ánh hào quang của ông, sau cùng là hi vọng có được bước đột phá cho riêng mình.

Còn có một kế hoạch ẩn sau đó là để tìm lại niềm hi vọng trong tôi. Thời điểm đó là đầu thập kỷ 90 và tôi vừa rời vị trí kỹ sư công nghệ tại Microsoft. Tôi đã rất chán nản và muốn tìm hiểu tại sao chúng tôi không thực sự thay đổi thế giới nhanh chóng như là chúng tôi có thể.

Windows đã không thay đổi mọi người một cách sâu sắc và không thực sự hết lòng giúp đỡ. Chẳng phải nhiệm vụ của công nghệ là thay đổi cuộc sống của mọi người sao? Tất cả những gì tôi thấy là mặt hạn chế của các sản phẩm phần mềm, phần cứng, thiết bị ngoại vi. Tôi đã bỏ việc và cảm thấy thất vọng sau nhiều năm làm việc 12-14 tiếng một ngày lập trình những dòng code nhằm tạo ra những phần mềm hoàn hảo.

Chắc hẳn bạn còn nhớ kiểu đồng hồ để bàn màu trắng thấp be bé trong bếp? Loại có mặt tròn và kêu tíc tắc tíc tắc và khi đổ chuông kêu một tiếng “boong”? Hai tuần sau đó, cầm đồng hồ trong tay, tôi bắt tay Steve và lên cót hẹn giờ 5 phút. Chúng tôi ngồi tại một bàn họp màu đen ở trụ sở NeXT. Ông ấy ngồi ngả vai trên chiếc ghế ở đầu bàn, ngay bên phải tôi. Tích tắc tích tắc tích tắc.

Tôi sẽ không gây buồn chán cho các bạn bằng những câu hỏi mà tôi đã đặt ra, chúng chỉ đơn giản là để gợi chuyện cho Steve. Điều mà tôi muốn bạn biết đó là trong suốt cuộc nói chuyện này, thời điểm cách đây gần 18 năm, Steve đã chia sẻ tầm nhìn của ông về tương lai.

Và nó hết sức tuyệt vời. Steve đã miêu tả một thế giới nơi mà những chiếc máy tính hoàn toàn trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta và tất cả những gì chúng ta cần đều được tiếp cận thông tin một cách dễ dàng.
 
Ông mô tả những iPod, iPad, iPhone cách gần hai thập kỷ trước khi chúng thực sự tràn ngập trên thị trường. Tôi nhận ra cách mà đầu óc ông tư duy – không hề có một giới hạn nào – từ điều gì có thể làm tăng giá trị cuộc sống của khách hàng, cho tới việc những sản phẩm công nghệ có ý nghĩa thế nào với họ và họ có được lợi ích gì, tới việc chúng có thể thay đổi thế giới như thế nào.

Ông không nghi ngờ liệu những điều mà ông mường tượng có thể hay sẽ tạo ra được hay không. Ông cũng không mảy may quan tâm tới những hạn chế thực tại có thể kìm giữ chân ông lại.

Tôi có thể cảm nhận thấy đầu óc mình như được khai sáng, nó trở nên thật lớn lao khi bên cạnh Steve, rất phóng khoáng và không giới hạn. Tôi lắng nghe từng ý tưởng của ông, dõi theo từng bước thăng trầm trong sự nghiệp của ông. Tôi đã cảm thấy bừng sáng bên cạnh ông, và nó thật tuyệt vời, tràn ngập tự do và…

Tích tắc tích tắc tích tắc… boong! Năm phút của tôi đã hết. Tôi đứng dậy để ra về, cúi đầu chào và quay ra cửa.

“Tôi chưa nói chuyện xong với cô đâu. Hãy ngồi xuống đi.”

Và nhanh chóng chúng tôi quay trở lại với công cuộc khai sáng đầu óc ngay lập tức, bay bổng với tương lai, với những làn gió mới và mọi thứ đều trở nên có thể, mọi điều đều quan trọng. Và chúng tôi cần phải tạo ra chúng. Đấy là số phận của chúng tôi.

Bốn mươi lăm phút trôi qua, Steve “thả” cho tôi về. Ngồi trong ô tô vẫn đang còn nóng hầm hập bởi cái nắng ở bãi đỗ xe Redwood City, đầu tôi tràn đầy ý tưởng, tầm nhìn xuất chúng và hoàn hảo của Steve Jobs, tôi đã tự hứa với lòng mình:

Tôi sẽ không chỉ nhìn thấy toàn những khó khăn để nản lòng. Chướng ngại vật cần phải được vượt qua để bước tới một điều tốt đẹp hơn. Những mặt hạn chế trước đây thì bây giờ chỉ còn là những điều bình thường, cùng lắm là bất tiện nho nhỏ mà thôi. Có nhiều điều lớn lao điên rồ cần được sáng tạo và chúng ta ở đây để tạo ra chúng và đó là tất cả những điều chúng ta cần biết. Mọi suy nghĩ đối lập đều không có nghĩa lý gì.

Đó là cách mà tôi đã sống cho đến tận hôm nay.

Còn bạn, muốn gặp “Steve” của bạn?

3 bước để có được cuộc gặp với bất kỳ nhân vật quan trọng nào:

1.      Tìm hiểu điều mà họ quan tâm.

Hãy viết một bức thư chân thành dài từ ½ đến một trang giấy về những thành tựu cụ thể của họ mà bạn thực sự ngưỡng mộ. Hãy đưa ra lời đề nghị làm năm giờ miễn phí trong quỹ thời gian của bạn cho việc từ thiện ưa thích của họ, đổi lại bạn có năm phút trong thời gian quý báu của nhân vật V.I.P này (nên có thêm lời thỉnh cầu về một cuộc gọi trực tiếp qua điện thoại).

2.      Gửi thư của bạn thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh

Gọi điện để chắc chắn thư đến tận nơi và tạo mối liên hệ với thư ký riêng của họ. Chỉ nên gọi vào đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều. Họ có khả năng trả lời nhất vào những thời điểm này.

3.      Lặp lại bước 2 cho tới khi bạn có được một cuộc hẹn.

Nếu vì một lý do nào đó mà việc này không hiệu quả, hãy chuyển tận tay thư của bạn cho họ tại một sự kiện hay buổi hội thảo mà họ tham gia. Sau đó lặp lại bước thứ 2 cho tới khi bạn có được cuộc hẹn.

Trong suốt 30 năm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, cách tiếp cận theo các bước trên luôn tỏ ra có hiệu quả với tôi. Chìa khóa thành công chính là ở bức thư. Hãy tỏ ra đáng tin cậy, chân thành và thuyết phục. Hãy quan tâm đến những gì bạn viết. Khiến nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

Không có lời nào diễn tả được những điều mà Steve và cuộc gặp mặt năm đó đã mang lại cho tôi.

Cám ơn ông, Steve, vì đã mang lại niềm tin cho tôi đối với công nghệ, với cách mạng đổi mới, với việc biến những điều không thể thành có thể.

À, và xin lỗi vì tôi đã đeo bám.
 
Tác giả bài viết là Christine Comaford - nhà sáng lập của một chuỗi các công ty khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm và cũng là một Phật tử. Bà đã kết hợp những kỹ năng quản lý siêu việt của mình để thu được thành công đáng nể với những công ty khởi nghiệp đột phá và tăng trưởng nhanh chóng.
 
Lê Mai

duchai

Forbes

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên