MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quảng bá du lịch Việt Nam thua cả… Lào, Campuchia

Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch nhưng chưa khai thác hiệu quả, cũng như quảng bá, theo ông John Lindquist, thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới về phát triển du lịch, Việt Nam hiện xếp 80/136 quốc gia về hoạt động quảng bá du lịch.

Du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng là khẳng định của nhiều diễn giả tại Diễn đàn kinh tế ViEF về du lịch, diễn ra ngày 6/12.

"Tôi đến Việt Nam từ tháng 3 với tư cách là du khách. Đồ ăn Việt Nam rất tuyệt vời. Chúng tôi cũng có những trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Tôi từng đến Tam Cốc, Sài Gòn, Hà Nội. Tôi được đi xe máy và có những trải nghiệm rất riêng. Với tôi, đó chính là du lịch", Brent Hill, Giám đốc Marketing Hội đồng Nam Australia nói về trải nghiệm tại Việt Nam.

Những lời khen tặng như của Brent Hill là không hiếm. Thực tế, du lịch Việt Nam thực tế đã đạt được những thành tựu, thông qua các con số về lượng khách đến, tăng trưởng hàng năm. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp không khói này đạt được tầm cao mới là không dễ.

Ông John Lindquist, thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng để phát triển mạnh mẽ hơn, Việt Nam cần phải tạo thương hiệu và quảng bá đến với khách hàng tiềm năng mới.

Quảng bá du lịch Việt Nam thua cả… Lào, Campuchia - Ảnh 1.

Ông John Lindquist, thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh

Cụ thể, Việt Nam có thể quảng bá thương hiệu thông qua các chiến dịch rộng rãi hơn. Như tại nước Anh, ông John cho biết Chính phủ dùng thông điệp "vĩ đại" nhất quán tại nhiều lĩnh vực, thể hiện cho một quốc gia.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng thương hiệu, ông cho rằng cần định hướng giá trị rõ ràng với từng nhóm khách. Đơn cử như tại Dubai, thương hiệu quốc gia này có 3 trụ cột gồm mua sắm – sang trọng – nghỉ dưỡng, giải trí. Hay như Malaysia, du lịch nước này được xây dựng trên 4 trụ cột là đa dạng văn hóa – sang trọng – nghỉ dưỡng gia đình – khám phá thiên nhiên.

Ông John nhấn mạnh việc từ thương hiệu tổng thể rồi xác định trụ cột. Theo đó, Việt Nam cần định hướng giá trị cho du khách tiềm năng.

Tuy nhiên, vị này chỉ ra một thực tế Việt Nam làm chưa tốt khâu quảng bá. Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, đứng sau cả Lào (vị thứ 53) và Campuchia (thứ 73).

Khoản chi tiêu cho hoạt động quảng bá du lịch ở Việt Nam là rất ít ỏi, vẻn vẹn 2 triệu USD, trong khi đó Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... chi tiêu đến hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD cho hình ảnh.

Về chính sách, ông John đặc biệt lưu ý đến vấn đề visa du lịch. Hiện Việt Nam có chính sách thị thực thấp nhất với các nước trong khu vực và cho rằng nếu có sự nới lỏng visa hơn nữa sẽ có thể tạo cú huých trong tương lai. Theo tính toán, khi Việt Nam miễn Visa cho Anh, Italia thì tổng lượng khách đến tăng 20%.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần nâng cấp hạ tầng, không chỉ là sân bay, mà còn là hạ tầng kết nối sân bay để phục vụ cho ngành du lịch đang phát triển chóng vánh.

Góp ý cho du lịch Việt Nam, ông Craig Douglas - Phó Chủ tịch Tập đoàn Lodgis Hospitality Group nói đến yếu tố con người.

Theo ông, yếu tố con người, nhân sự về du lịch lại chưa được khai thác nhiều, trong khi đó đây là yếu tố để lại ấn tượng nhất với khách du lịch khi tới một điểm đến.

Quảng bá du lịch Việt Nam thua cả… Lào, Campuchia - Ảnh 2.

Ông Craig Douglas - Phó Chủ tịch Tập đoàn Lodgis Hospitality

Ông cũng cho rằng du lịch Việt Nam cần cải thiện các dịch vụ để tăng trải nghiệm tốt cho du khách, từ đó mới có thể chọn sự tăng trưởng cho du lịch một cách bền vững.

Ông Craig Douglas, Việt Nam không chỉ cạnh tranh giữa các quốc gia, mà ngay cả nội bộ khu vực cũng cạnh tranh với nhau như: Bali, Singapore... Bởi nhiều du khách sẽ cân nhắc điểm đến nào nếu có điều kiện tương đồng. Theo đó, ông nhắc lại chính sách visa và cho biết nhiều du khách quay lại Thái Lan vì điều kiện visa tốt hơn Việt Nam.

Mặt khác, ông cho rằng Việt Nam nên thúc đẩy phê duyệt các chính sách liên quan đến đầu tư bất động sảm nghỉ dưỡng. Điều này sẽ giúp thu hút thêm các nhà đầu tư ngoại.

"Chúng ta cần cung cấp thông tin để họ thấy cần phải chọn Việt chứ không phải là điểm đến khác. Chúng ta đảm bảo cho họ thấy Việt phù hợp hơn các khu vực khác", ông nói.

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên