MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quảng bá du lịch Việt Nam với bom tấn "Kong: Skull Island" như thế nào cho hiệu quả?

Tương tự như câu chuyện cách đây một năm khi cựu Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam và uống bia Hà Nội, việc một số địa danh ở Việt Nam được xuất hiện trong bom tấn Hollywood "Kong: Skull Island" được đánh giá là cơ hội vàng để quảng bá cho du lịch của đất nước hình chữ S.

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, bà Phùng Thị Phương, Brand Strategy Manager Công ty Richard Moore Associates nhận xét ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực nhưng dường như vẫn trong thế bị động nhiều hơn.

Bà đánh giá như thế nào về cơ hội quảng bá du lịch Việt Nam qua bộ phim Kong: Skull Island?

Những động thái hiện nay có thể sẽ giúp thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và tăng doanh thu về du lịch, tuy nhiên, để nói là có thể tạo được dấu ấn về thương hiệu du lịch của Việt Nam thì có lẽ là không.

Nguyên nhân là chúng ta đang bị động trong tình huống trên. Cụ thể, chúng ta bổ nhiệm Đại sứ Du lịch – là đạo diễn phim sau khi bộ phim đã được công chiếu. Các hoạt động truyền thông liệu có thể triển khai được ngay? Việc truyền thông không phải ngày một ngày hai là có thể chạy, mà nó cần phải có một khoảng thời gian để xác định truyền thông cái gì, trên kênh nào, nhắm đến đối tượng nào và cũng cần thời gian để sản xuất các ấn phẩm truyền thông nữa.

Hãy thử tưởng tượng xem nếu việc mời đạo diễn của Kong: Skull Island làm đại sứ có trong kế hoạch từ trước đó, song song với các hoạt động truyền thông cho phim là các hoạt động tuyên truyền quảng bá cho du lịch Việt Nam thì hiệu quả sẽ như thế nào.

Những điều này dường như là minh chứng cho việc chúng ta thiếu chuẩn, thiếu một chiến lược thương hiệu rõ ràng để xác định được chúng ta sẽ làm gì tiếp theo. Đó là lý do lý giải cho những động thái nhất thời nhằm xử lý phần ngọn hơn là đón nhận cơ hội một cách chủ động.

Vì sao bà lại nhận xét thương hiệu du lịch Việt Nam thiếu chuẩn, thiếu một chiến lược định vị thương hiệu rõ ràng?

Ví dụ như trường hợp của Malaysia, họ định vị rất rõ ràng du lịch của họ điểm nổi trội nhất là “sự đa dạng” và làm xuyên suốt từ 1999 đến nay. Nếu như chúng ta có một chiến lược thương hiệu rõ ràng và bài bản như vậy thì trong trường hợp này sẽ biết hành xử như thế nào phù hợp.

Sự việc này tương tự câu chuyện của Bia Hà Nội 1 năm trước đó khi vô tình được Tổng thống Obama dùng trong một bữa ăn ở Việt Nam vậy.

Bản thân họ đã rất bối rối không biết nên đón nhận cơ hội này như thế nào. Rõ ràng, nếu họ có một chiến lược chuẩn, xuyên suốt thì họ đã có thể đánh giá được sự kiện đó có phù hợp để đẩy mạnh và phát triển thương hiệu Bia Hà Nội không, nên truyền thông như thế nào và với thông điệp gì. Bia Hà Nội là thương hiệu lớn, nếu hành xử không phù hợp thì có thể còn tệ hơn việc không làm gì cả. Và cuối cùng, “cờ” đến tay mà họ đã chẳng thể “phất”.

Ở góc độ chuyên gia thương hiệu, bà có lời khuyên gì?

Để có thể đưa ra chiến lược thương hiệu phù hợp cho Việt Nam thì đầu tiên phải phân tích các thương hiệu du lịch từ các nước có nền du lịch tương đồng như Malaysia hay Thái Lan. Bởi vì du khách khi đi du lịch ở Đông Nam Á, họ sẽ cân nhắc giữa Việt Nam với Thái Lan, Malaysia.

Nếu khác biệt của du lịch Việt Nam là “đẹp” thì có lẽ chúng ta cần một vẻ đẹp cụ thể hơn. Đẹp cũng có nhiều kiểu đẹp, đẹp hiện đại hay cổ kính, đẹp nhân tạo hay đẹp nguyên sơ.

Vẻ “đẹp nguyên sơ” chẳng hạn, để du khách đến Việt Nam tự do khám phá, trải nghiệm những gì tự nhiên nhất, tạo hoá nhất chứ không phải là vẻ đẹp do bàn tay con người tác động.

Tất cả những vẻ đẹp này đều có thể thể hiện được, có thể hình dung được với du khách. Nhưng sẽ thách thức vô cùng nếu muốn làm cho du khách thấy được vẻ đẹp “bất tận” của Việt Nam.

Tôi cho rằng quốc gia nào cũng đẹp. Nếu muốn du lịch Việt Nam được biết đến là đẹp thì việc cần làm là nói cho du khách biết đến Việt Nam với một vẻ đẹp “riêng” không bị trộn lẫn với bất cứ quốc gia nào khác, có vậy mới tạo được dấu ấn riêng.

Đức Minh (Thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên