Quảng Nam ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, công nghệ 4.0
Trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số... Ảnh: Thành Vân.
Trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…
- 05-06-2022Blockchain đang là công nghệ mới cho kinh tế số Việt Nam
- 05-06-2022Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia huy động được gần 800 tỉ đồng từ doanh nghiệp
- 05-06-2022Chân dung cặp đôi hacker Việt khiến cộng đồng bảo mật thế giới phải thán phục
Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về việc dự kiến chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, các hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh đã và đang được tiếp tục triển khai tích cực, giúp thu hút vốn đầu tư phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh.
Trong đó, tỉnh đã tổ chức thực hiện công tác xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức đa dạng; tổ chức tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên các phương tiện thông tin truyền thông; đăng tải công khai các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển vùng, danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư tỉnh Quảng Nam hằng năm.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Nam, tiêu biểu là các Đoàn công tác của Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam, Tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)...
Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức buổi gặp mặt các doanh nghiệp lớn tại TP.HCM để kêu gọi đầu tư vào tỉnh trong nhiều lĩnh vực trọng điểm; đẩy mạnh quan hệ hợp tác chặt chẽ, tranh thủ sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam để hợp tác, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư.
Song song với công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh Quảng Nam cũng rất quan tâm, chăm sóc các doanh nghiệp đã đầu tư trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trước và sau cấp phép đầu tư một cách tốt nhất; tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư hoạt động kinh doanh có hiệu quả tiếp tục nghiên cứu, tái đầu tư và mở rộng đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, thành lập các tổ công tác hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; kiên quyết rà soát, thu hồi các dự án đầu tư kéo dài không hiệu quả, những dự án chiếm đất không có khả năng thực hiện hoặc các nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính...
Trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam dự kiến tập trung thu hút, xúc tiến các ngành, lĩnh vực tỉnh có ưu thế, gắn kết với các địa phương lân cận vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đạt được lợi ích lớn từ việc hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác và các thỏa thuận thương mại tự do, bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư.
Ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài có liên kết với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Đặc biệt, tiếp tục tận dụng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Bộ, ngành Trung ương để thu hút hiệu quả các dự án, đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai và Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của Hành lang Kinh tế Đông Tây...
Tỉnh Quảng Nam ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ logisctics. Ảnh: Thành Vân.
Ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…
Đẩy mạnh thu hút và nghiên cứu cơ chế sử dụng vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuối giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội.
Thu hút đầu tư các dự án mới phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, tạo nguồn thu địa phương với trình độ công nghệ của dự án, sử dụng nguồn lực nội địa; không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trong đó, ngành công nghiệp phải quy hoạch, định hướng đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghệ hiện đại, công nghiệp xanh ít sử dụng lao động; phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp hàng không để sớm hình thành trung tâm cơ khí đa dụng quy mô lớn tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Cạnh đó là các cụm ngành công nghiệp điện khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống.
Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp phải là những ngành nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất. Các ngành khai thác, chế biến khoáng sản phải đổi mới công nghệ, chế biến sâu, không làm tổn hại môi trường, tiết kiệm tài nguyên.
Đối với dịch vụ, tỉnh Quảng Nam ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, logisctics; hình thành các khu phi thuế quan, các sàn giao dịch mang tầm cỡ quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực miền Trung.
Định hướng phát triển du lịch xanh; xây dựng Quảng Nam trở thành Trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước; xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm quốc gia và quốc tế; chú trọng phát triển du lịch về phía Nam và phía Tây của tỉnh; phát triển đa dạng hóa thị trường khách du lịch.
Đặc biệt, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Quảng Nam có cơ hội rất lớn để phát triển mạnh dịch vụ vận tải cả về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và đường không. Với đặc điểm hội tụ riêng có của mình, Chu Lai hoàn toàn có thể hình thành một trung tâm vận tải đa phương thức trọng điểm của quốc gia...
Nhà đầu tư