Quảng Nam - Vùng đất của những con người khai phóng
Chí sĩ Phan Chu Trinh, Thủ tường Nguyễn Xuân Phúc, hay nguyên Bí thư Hội An đều là những người con xứ Quảng. Dù ở bất kỳ vị trí nào, với tư tưởng khai phóng, họ đều cống hiến hết mình cho địa phương và đất nước.
- 27-03-2017Vingroup, VinaCapital, Đất Xanh,...rót nghìn tỷ nâng tầm BĐS Quảng Nam
- 26-03-2017Vì sao ngân hàng điều lượng vốn lớn về Quảng Nam?
- 26-03-2017Thủ tướng kêu gọi những ‘con sếu lớn’ đổ bộ vào Quảng Nam
- 25-03-2017Thủ tướng gợi mở chìa khóa thành công cho Quảng Nam
Chẳng còn ánh điện sáng. Lung linh xa gần là những ngọn nến nhỏ. Trong hương trầm thoang thoảng, lữ khách như lạc đường trong khu phố cổ kính. Đây hàng áo, kia quán cao lầu. Con thuyền nhỏ xinh bên chiếc đèn lồng đưa lữ khách vào không gian mê đắm.
Hài hòa giữa bảo tồn di sản với tạo điều kiện cải thiện đời sống cho người dân, Hội An đã làm được việc mà chưa thành phố nào dám mơ đến. Sông Hoài, phố Hội đã trở thành cái tên khiến du khách nặng lòng. Không chỉ tới một lần, nhiều người chọn đến Hội An để thêm một lần tách mình khỏi ồn ào phố thị và say sưa trong không gian cổ kính.
Những chuyện nóng của trên các trang báo hôm nay như không bày hàng hóa trên vỉa hè, không vứt rác bừa bãi, không đốt vàng mã trên phố,... đã trở thành nếp sống của người Hội An từ 20 năm nay. Vượt qua khác biệt, chống đối và dọa nạt, cựu Chủ tịch UBND và Bí thư thành ủy Hội An Nguyễn Sự đã góp sức xây dựng tinh thần văn minh cho người dân đô thị, điều mà nhiều thành phố lớn khác cũng chưa làm được.
Nếu như Hội An trở thành điểm du lịch nổi tiếng, thì Quảng Nam cũng làm nên “kỳ tích” sau 20 năm tái lập tỉnh. Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương, Quảng Nam đã đóng góp cho Ngân sách. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trung bình trên 10,9%. Quy mô kinh tế đạt gần 69 nghìn tỷ đồng, gấp 27 lần năm 1997.
Ngày đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có ý tưởng về cơ chế lấy phiếu tín nhiệm ở địa phương. Việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn được tiến hành định kỳ hàng năm. Những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, cản trở sự phát triển của tỉnh sẽ bị thay đổi chức vụ. Thái độ cương quyết đó của ông Phúc đã khắc phục tình trạng “sáng xách ô đi, tối xách ô về” phổ biến trong tỉnh.
Thay đổi hẳn lối làm việc dựa vào báo cáo của cấp dưới, ông Nguyễn Xuân Phúc chọn cách lắng nghe trực tiếp ý kiến người dân. Tuần nào lãnh đạo tỉnh cũng thu xếp một buổi để tiếp công dân. Có khi ông Phúc cũng bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất và xuống tận xã để lắng nghe phản ánh. Vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thời đó cho rằng, người lãnh đạo phải thay đổi suy nghĩ từ cách quản lý kiểu cai trị sang phục vụ. Quan điểm ấy tiếp tục được ông Nguyễn Xuân Phúc áp dụng đến tận ngày hôm nay, khi công việc của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, vì người dân vì doanh nghiệp.
Không chỉ là nơi sinh ra những người con đang từng ngày xây dựng thành phố và tỉnh nhà, Quảng Nam cũng là quê hương của chí sĩ Phan Chu Trinh, người đã tạo nên “dấu ấn” lớn đối với xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Phan Chu Trinh là người có tư tưởng canh tân đất nước. Lịch sử khắc nghiệt đã buộc cụ Phan phải chứng kiến cái chết của cha mình cùng phong trào Cần Vương. Nhưng cũng từ đây, Phan Chu Trinh thấy rằng vận mệnh dân tộc chỉ có thể thay đổi bằng tự lực, tự cường, bằng khai mở văn hóa, khai sáng con người.
“Chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng ngoại ắt là chết. Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không muốn mua lấy cái chết. Những sự giải thoát của chúng ta là nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ” – Phan Chu Trinh.
Sau nhiều năm bị lưu đày nơi xứ người, Phan Chu Trinh đã về nước và tiếp tục công cuộc “khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”. Thời điểm đó, cụ Phan coi nhiệm vụ cấp bách đối với đất nước là mở trường dạy chữ Quốc ngữ và kiến thức khoa học; thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường; phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa. Phan Chu Trinh nhận ra rằng chính sự thua kém về văn minh của dân tộc Việt Nam mới là căn nguyên mất nước. Đây cũng là điểm mà nhiều nhà yêu nước cùng thời chưa thấy rõ.
“Nghĩ khác và làm khác”, những người con xứ Quảng đã xây dựng một đô thị văn minh hiếm có; một cung cách quản lý khác của chính quyền với người dân; một nhận thức mới về sự học và con đường phú cường cho đất nước. Dù ở bất kỳ vị trí nào, họ cũng luôn cống hiến hết mình cho địa phương và đất nước. Không đâu khác, Quảng Nam chính là vùng đất của những con người khai phóng.