MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc đảo 22 triệu dân vỡ nợ, điều khủng khiếp gì đã xảy ra?

13-04-2022 - 10:44 AM | Tài chính quốc tế

Quốc đảo 22 triệu dân vỡ nợ, điều khủng khiếp gì đã xảy ra?

Sri Lanka, quốc đảo 22 triệu dân, cho biết họ đã đình chỉ thanh toán nợ nước ngoài với lý do cần dự trữ nguồn ngoại hối, vốn đang cạn kiệt, để nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu.

Vỡ nợ

Lạm phát 2 con số và tình trạng khan hiếm mọi thứ đã thực sự đẩy cuộc sống của người dân tới bờ vực của khủng hoảng. Siêu thị trống trơn, nhiên liệu thiết yếu cũng chẳng có mà dùng khi nguồn ngoại tệ dành cho nhập khẩu đang ngày càng cạn kiệt.

Bộ Tài chính Sri Lanka nói rằng nước này cần tái cơ cấu toàn diện các khoản nợ ngoại tệ chưa thanh toán của mình và tiếp cận Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để xin hỗ trợ tài chính khẩn cấp. Nước này đổ lỗi cho đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine đã làm tổn hại tới du lịch và đẩy giá hàng hóa lên cao đã khiến họ mất khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại có một cái nhìn khác. Họ nhấn mạnh rắc rối bắt đầu từ trước đây rất lâu. Tuy nhiên, cũng không thể không kể đến bước ngoặt sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đắc cử năm 2019. Cụ thể, Sri Lanka đã tích lũy rất nhiều nợ để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, chính phủ lại giảm thuế ngay cả khi ngân sách vô cùng eo hẹp….

Quốc đảo 22 triệu dân vỡ nợ, điều khủng khiếp gì đã xảy ra? - Ảnh 1.

Theo các số liệu thống kê, lạm phát ở Sri Lanka đã lên tới gần 20% và kéo dài trong nhiều tháng. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của nước này cũng giảm từ 7,5 tỷ USD khi ông Rajapaksa nhậm chức xuống còn khoảng 2 tỷ USD hiện nay. Số tiền này không đủ để nhập khẩu nhu yếu phẩm trong 2 tháng. Điều này đã buộc các siêu thị phải tái phân bổ hàng hóa để có thể "cầm cự" trong giai đoạn tồi tệ hiện nay….

Tất cả là tại Covid-19?

Câu trả lời là không. Đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới suy thoái của Sri Lanka nhưng không phải là duy nhất. Đại dịch khiến một số doanh nghiệp làm du lịch phải đóng cửa, dẫn tới những khoản thất thu lớn. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là một phần của vấn đề.

Các chuyên gia cho rằng việc chính phủ chi tiêu cao và cắt giảm thuế làm tổn hại ngân sách quốc gia, điều làm phức tạp thêm những vấn đề vốn đã tồn tại từ trước. Bên cạnh đó, những sai lầm về mặt chính sách của Chính phủ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với nền kinh tế Sri Lanka.

Cụ thể, hồi tháng 5/2021, Chính phủ Sri Lanka bất ngờ ban hành lệnh cấm toàn bộ phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Điều này buộc nông dân phải sử dụng sản phẩm hữu cơ mà hoàn toàn không cho họ thời gian chuẩn bị. Nó khiến ngành nông nghiệp điêu đứng bởi phương thức sản xuất hiện hữu đã quá phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Như một lẽ tất yếu, cỏ dại và côn trùng sinh sôi nảy nở trong khi hoa màu lụi tàn, kém năng suất. Hậu quả là Sri Lanka từ một nước tự cung tự cấp gạo biến thành nước nhập khẩu hơn 600 triệu USD gạo nước ngoài. Cùng với đó, sản lượng nhiều nông sản khác cũng giảm sút, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như chè, cao su.

Quốc đảo 22 triệu dân vỡ nợ, điều khủng khiếp gì đã xảy ra? - Ảnh 2.

Lệnh cấm này sau đó đã bị thu hồi nhưng hậu quả cần nhiều thời gian để sửa chữa. Trong khi đó, những thiệt hại là vô cùng to lớn, tác động tới cả xuất khẩu (chè) và nhập khẩu (lương thực) của Sri Lanka, quốc gia vốn đã cạn kiệt ngoại tệ.

Bên cạnh đó, Sri Lanka còn có những khoản nợ khổng lồ đối với Trung Quốc và các quốc gia khác. Quốc gia này nợ Bắc Kinh hơn 5 tỷ USD trong năm 2021 và đã vay thêm 1 tỷ USD vào năm nay để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của mình. Ngoài vay Trung Quốc và các quốc gia khác, Sri Lanka cũng nợ tiền của tư nhân.

Các chủ nợ lớn nhất của nước này là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Nước này từng khẳng định sẽ đáp ứng các cam kết đồng thời đàm phán lại các khoản nợ với Bắc Kinh. Với Iran, họ muốn trả nợ mua dầu mỏ bằng trà…. Tuy nhiên, chúng đã không thể phát huy hiệu quả, dẫn tới việc quốc đảo này tuyên bố vỡ nợ.

Anushka Wijesinha, nhà kinh tế học tại Trung tâm Tương lai Thông minh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại thủ đô Colombo, cho biết: "Việc tuyên bố vỡ nợ chỉ là sự công nhận cuối cùng, cho thấy Sri Lanka đã ở sát mép vực thế nào".

IMF cho biết họ đã nhận được yêu cầu hỗ trợ từ các nhà chức trách Sri Lanka và sẽ thảo luận với các nhà hoạch định chính sách cấp cao để có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

Tính tới hết tháng 2, nợ nước ngoài chưa thanh toán của Sri Lanka là 36 tỷ USD. Phần lớn trong số đó là các trái phiếu chính phủ ở thị trường quốc tế (12,5 tỷ USD) với các chủ nợ là Ngân hàng Phát triển châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản. Nước này có 7,5 tỷ USD nợ phải thanh toán trong năm nay.

Quốc đảo 22 triệu dân vỡ nợ, điều khủng khiếp gì đã xảy ra? - Ảnh 3.

Áp lực từ người dân

Tình trạng bết bát của Sri Lanka đã khiến người dân đổ xuống đường biểu tình, kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Các cuộc biểu tình nổ ra trong tình cảnh mất điện và thiếu hụt các mặt hàng cơ bản như nhiên liệu, khí đốt và thuốc men.

Trước áp lực từ người dân, Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, em trai của Tổng thống, đã khẳng định rằng yêu cầu thay đổi chính trị là "thứ yếu so với trách nhiệm tập thể và sự cấp bách phải ngăn chặn cuộc khủng hoảng này".

"Cứ mỗi giây các bạn biểu tình trên đường, đất nước chúng ta sẽ mất cơ hội nhận được những đồng USD tiềm năng", ông Mahinda Rajapaksa nói trong một bài phát biểu tối 11/4 theo giờ địa phương, đề cập tới tác động tiêu cực của biểu tình với du lịch.

https://cafef.vn/quoc-dao-22-trieu-dan-vo-no-dieu-khung-khiep-gi-da-xay-ra-20220413104414.chn

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên