MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội thông qua kế hoạch “giải cứu” Vietnam Airlines, được phép chào bán cổ phiếu cho cổ đông dù hoạt động kinh doanh thua lỗ

Theo phương án Quốc hội thông qua, Vietnam Airlines sẽ được chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu mà không cần đáp ứng điểm b khoản 2 điều 15 luật chứng khoán (Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán).

Chiều 17/11, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trong đó có đề nghị của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Theo đó, Quốc hội đã cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt, để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một điểm đáng chú ý, Quốc hội cũng cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, c và d khoản 2 điều 15 luật chứng khoán.

Theo quy định của khoản 2 điều 15 Luật chứng khoán hiện hành, điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng bao gồm:

a) Đáp ứng quy định tại các điểm a, c, e, g, h và i khoản 1 Điều này;

b) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;

c) Giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết nhận mua toàn bộ cổ phiếu của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số cổ phiếu còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành để hoán đổi, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;

d) Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán. Tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.

Như vậy, theo phương án Quốc hội thông qua, Vietnam Airlines sẽ được chào bán cổ phiếu ra công chúng mà không cần đáp ứng điểm b khoản 2 điều 15 luật chứng khoán (Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán).

Đây được coi là điểm tháo gỡ quan trọng trong việc "giải cứu" Vietnam Airlines khi hãng hàng không này thua lỗ nặng nề trong 9 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu theo quy định thông thường, Vietnam Airlines sẽ không đủ điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Báo cáo 9 tháng đầu năm cho biết Vietnam Airlines lỗ hợp nhất 10.676 tỷ đồng, trong đó phần lỗ thuộc về cổ đông ty mẹ là 10.472 tỷ đồng. Năm 2020, Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất 15.117 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ 14.487 tỷ đồng.

Trước đó, Vietnam Airlines đã đề xuất gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, bao gồm vay 4.000 tỷ đồng và tăng vốn 8.000 tỷ đồng.

Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam, thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên