MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định bất cập 'trói' doanh nghiệp thủy sản

Xuất khẩu thủy sản đang có sự hồi phục ấn tượng khi tăng trưởng đạt mức hai con số ở hầu hết các thị trường. Tuy nhiên, hàng loạt chi phí đầu vào liên tục tăng mạnh, đặc biệt một số quy định bất cập khiến doanh nghiệp (DN) tốn hàng trăm tỷ đồng.

Phí chồng phí

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết, từ đầu năm đến nay, DN không thiếu đơn hàng để chế biến nhưng luôn trong trạng thái lo âu vì sợ lỡ chuyến, khó giao hàng. Theo ông Lĩnh, hiện giá cước vận tải biển để xuất hàng đi các thị trường còn cao hơn mức đỉnh của năm ngoái. Giá cước đi tuyến châu Á, như Thái Lan đã lên khoảng 1.600-2.500 USD/container, đi các cảng bờ Tây (Mỹ) khoảng 12.000-14.000 USD/container. Còn với bờ Đông (Mỹ), giá lên tới 19.000-22.000 USD/container nhưng rất ít hãng tàu nhận vận chuyển, số chuyến có tháng còn bị cắt giảm. Trong khi đó, chi phí vận tải đến thị trường Trung Quốc cũng đã tăng gấp đôi, gấp ba lần so với cuối năm 2021. Nguyên nhân là các cảng biển tại Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn siết chặt kiểm soát dịch COVID-19, hoạt động hạn chế gây ra ùn tắc tàu tại cảng, dẫn đến lượng container đang kẹt ở đây rất lớn.

"Năm ngoái, cước vận tải biển tăng cao đã ăn mòn lợi nhuận của DN. Năm nay, tuy tình hình kinh doanh trong những tháng đầu năm khởi sắc, nhưng giá vận chuyển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chúng tôi phải thắt chặt việc quản trị, số lượng công nhân duy trì chưa đến 2/3 so với mọi năm"

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Thủy sản và

Thương mại Thuận Phước

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, nói rằng, không chỉ giá cước vận tải tăng, DN thủy sản đang đối mặt tình trạng phí chồng phí khi hàng loạt vật tư đầu vào đều đồng loạt “bắt tay” tăng giá. Hiện, giá tôm giống mà công ty nhập về đều tăng 5-7%; giá cá giống tăng từ 25-30%. Còn thức ăn thủy sản tăng giá trên 5%. Đáng ngại hơn, giá một số hóa chất sử dụng trong nuôi trồng tôm tăng tới 20-30%.

“Điều này gây áp lực cho DN khi chi phí sản phẩm đang đội lên rất nhiều, trong khi các đối tác chỉ chấp nhận mức tăng giá sản phẩm tối đa 10-15%. Người mua chưa sẵn sàng mở hầu bao để chấp nhận mức giá mới. Nếu tăng giá bán cao, người tiêu dùng có thể chuyển qua sử dụng những thực phẩm thay thế hoặc từ nguồn hàng nước khác có giá thấp hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh tỉ giá hối đoái của Việt Nam ở mức thấp, hàng của Việt Nam khó cạnh tranh với các nước khác, DN rất dễ đối diện nguy cơ mất khách hàng”, ông Lực nói.

Mong sớm bỏ các quy định bất cập

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản đang có sự hồi phục tích cực khi 3 tháng đầu năm đạt 2,4 tỷ USD (tăng 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái). Đây là mức tăng kỷ lục tính theo quý từ trước đến nay. Đặc biệt, mặt hàng cá tra sau thời gian dài ảm đạm, nay trở lại tăng giá mạnh nhất, với giá trị ước đạt 646 triệu USD (tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái).

Theo ông Hòe, hiện nhu cầu thủy sản ở các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh… đang rất lớn, giúp các DN Việt Nam đầy ắp đơn hàng từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, các DN thủy sản đang phải tốn hàng trăm tỷ đồng chi phí vì các quy định bất cập, như việc TPHCM thu phí hạ tầng cảng biển từ đầu tháng 4, việc kiểm dịch hàng thủy sản đông lạnh đối với những nguyên liệu nhập khẩu dùng làm thực phẩm chế biến xuất khẩu... “Riêng 2 quy định này khiến DN thủy sản rất chật vật, ảnh hưởng đến hoạt động. Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ, HĐND và UBND TPHCM tạm dừng thu khoản phí cảng biển đến cuối năm nay, hoặc sang đến năm sau. Ngoài ra, DN rất mong chờ trong quý 2 này, Bộ NN&PTNT sớm bãi bỏ quy định kiểm dịch đối với thủy sản nhập khẩu đông lạnh, để DN có sức hồi phục, tạo bước đột phá trong năm nay”, ông Hòe nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, kết quả sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong quý 1 rất khởi sắc. Tuy nhiên, việc tăng trưởng hiện nay vẫn chưa thật sự bền vững khi chi phí đầu vào các mặt hàng tiếp tục có xu hướng tăng cao. “Bộ NN&PTNT đang theo dõi sát tình hình thị trường, giá cả các vật tư đầu vào, nhất là mặt hàng thức ăn chăn nuôi. Bộ đang tiếp tục kiến nghị chính sách hỗ trợ DN về vốn và thuế”, ông Tiến nói.

Về việc tháo gỡ thủ tục hành chính, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ vừa ban dự thảo sửa đổi Thông tư 26/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản theo hướng không thực hiện kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước. Dự thảo lấy ý kiến từ giữa tháng 4 và dự kiến hoàn thành sửa đổi trong quý 2 năm nay.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên