Quy định mới về quản lý gỗ nhập khẩu, xuất khẩu có hiệu lực từ 30/10
Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, trong đó, Nghị định quy định rõ việc quản lý gỗ xuất – nhập khẩu.
Cụ thể, về quản lý gỗ nhập khẩu, Nghị định quy định gỗ nhập khẩu phải đảm bảo hợp pháp, được làm thủ tục xuất - nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.
Quản lý gỗ nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở áp dụng biện pháp quản lý rủi ro để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm gỗ nhập khẩu hợp pháp, đồng thời khuyến khích, tạo thuận lợi đối với tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp luật.
Gỗ nhập khẩu được quản lý rủi ro theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro theo quy định.
Chủ gỗ nhập khẩu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về: Nguồn gốc hợp pháp của gỗ nhập khẩu theo các quy định pháp luật có liên quan của quốc gia nơi khai thác gỗ; tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về cung cấp thông tin theo tiêu chí đánh giá vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam và tiêu chí xác định loại gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định…
Chiều ngược lại, về quản lý gỗ xuất khẩu theo Nghị định, gỗ xuất khẩu phải đảm bảo hợp pháp, được làm thủ tục xuất - nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan. Gỗ xuất khẩu được quản lý theo loại gỗ, thị trường xuất khẩu và trên cơ sở kết quả phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Gỗ xuất khẩu phải có giấy phép CITES hoặc giấy phép FLEGT hoặc bảng kê gỗ theo quy định.
Nghị định phân loại cụ thể doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Theo quy định có 2 loại doanh nghiệp: Doanh nghiệp Nhóm I và doanh nghiệp Nhóm II.
Theo đó, doanh nghiệp Nhóm I là những doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong việc thành lập và hoạt động ít nhất 1 năm kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp; tuân thủ quy định pháp luật về bảo đảm gỗ hợp pháp theo quy định của Nghị định này và quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý, truy xuất nguồn gỗ lâm sản; tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định và lưu giữ hồ sơ gốc theo quy định của pháp luât; không vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý theo quy định...
Doanh nghiệp Nhóm II là doanh nghiệp chưa đáp ứng được một trong các tiêu chí quy định ở trên.
Nghị định cũng quy định rõ lô hàng gỗ xuất khẩu của chủ gỗ không phải là doanh nghiệp Nhóm I phải xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu.
Lô hàng gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước xuất khẩu sang thị trường ngoài EU thì không cần xác nhận.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2020.