Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup chi 124 tỷ VND tài trợ 20 dự án khoa học Việt, yêu cầu tối thiểu 70% nhân sự Việt Nam
Điều kiện trên nhằm đảm bảo đúng mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học Việt và sự phát triển của khoa học nước nhà trên tinh thần phi lợi nhuận.
- 19-08-2019Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư Úc
- 19-08-2019Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 nhóm giải pháp lớn cho miền Trung
- 19-08-2019Báo Trung Quốc: Việt Nam tăng vọt nhập ô tô ngoại, liệu thương hiệu Vinfast có thể cất cánh?
Ngày 19/8/2019, sau 6 tháng công bố nhận tài trợ các dự án khoa học và công nghệ định hướng ứng dụng, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), thuộc tập đoàn Vingroup công bố tài trợ 124 tỷ VND cho 20 dự án khoa học và công nghệ trong nhiều lĩnh vực quan trọng như: Big Data, Y sinh tính toán, Gen và tế bào, Khoa học vật liệu, Giao thông thông minh, IoT, Nhận dạng hình ảnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên,...
Trong đó, mức tài trợ cao nhất là 10 tỷ đồng/dự án. Kinh phí tài trợ được sử dụng để chi trả cho lương của thành viên dự án, chi phí thuê chuyên gia trong nước và quốc tế, mua nguyên, nhiên vật liệu và vật tư, dụng cụ, mua sắm trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thực hiện công bố quốc tế và đăng ký sáng chế.
Bên cạnh đó, VINIF cũng hỗ trợ nguồn lực khác như giới thiệu, cung cấp chuyên gia tư vấn; cung cấp cơ sở dữ liệu lớn và sở hữu trí tuệ từ Vingroup. Đặc biệt, nhằm đào tạo điều kiện đầu ra cho các dự án nghiên cứu, VINIF sẽ hỗ trợ giới thiệu, ứng dụng sản phẩm, dịch vụ và giải pháp nghiên cứu vào thực tế; giúp đăng ký và bảo hộ bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; tìm kiếm nguồn đầu tư sau dự án để tiếp tục hoàn thiện và phát triển sản phẩm.
Để được nhận tài trợ, chủ nhiệm dự án phải là nhà khoa học vó bằng tiến sĩ, đã có kinh nghiệm và thành tựu; số lượng người nước ngoài tham gia dự án không được vượt quá 30%. Trường hợp chủ nhiệm dự án là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thì phải có thời gian làm việc trong nước tối thiểu 3 tháng/năm trong thời gian làm chủ nhiệm dự án. Điều kiện trên nhằm đảm bảo đúng mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học Việt và sự phát triển của khoa học nước nhà.
Với mục tiêu khuyến khích sự phát triển khoa học và công nghệ cho Việt Nam trên nguyên tắc hoạt động phi lợi nhuận, các tài sản mua sắm và hình thành từ dự án như sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ cùng các kết quả dự án khác hoàn toàn thuộc về chủ nhiệm dự án, nhóm nghiên cứu hoặc tổ chức chủ trì.
Giáo sư Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup chia sẻ: Tập đoàn Vingroup thành lập Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup với mục tiêu tài trợ nghiên cứu khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực đội ngũ tri thức; góp phần thay đổi phong cách nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam; xây dựng hệ sinh thái công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các trường đại học.
"Đây là chương trình hỗ trợ hàng năm của Vingroup, có cơ chế tài chính linh hoạt, thủ tục hành chính tối giản và các nguồn lực mạnh mẽ nhằm mang đến điều kiện làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học; đồng thời thúc đẩy các nghiên cứu đi vào ứng dụng thực tế. Chúng tôi mong muốn góp phần hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam thực hiện thành công những dự án xuất sắc, có tầm ảnh hưởng lớn, với định hướng ứng dụng cùng phương pháp tiếp cận và công nghệ hiện đại" - ông Vũ Hà Văn cho biết.
Ngay trong tháng 8/2019, các dự án sẽ bắt đầu nhận tài trợ để triển khia, với mục tiêu đạt được tối thiểu 1 trong 4 yêu cầu: Có bài báo công bố trên tạp chí quốc tế hoặc các tổ chức nghiên cứu có uy tín xếp hạng Q1 hoặc tương đương; Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng; Chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ; Đào tạo thạc sĩ và hỗ trợ đào tạo tiến sĩ trong nước.