Quỹ ETF nội địa: Kém tài hay chưa may
Gần 2 năm có mặt trên TTCK Việt Nam, nhưng dấu ấn các quỹ ETF (quỹ mô phỏng chỉ số, hoán đổi danh mục) để lại rất mờ nhạt. Điều này tương phản với kỳ vọng ban đầu cũng như các chiến dịch truyền thông các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) đã thực hiện liên quan đến ETF.
- 31-12-2014Quỹ ETF nội vì sao kém hấp dẫn?
- 29-09-2014Quỹ ETF nội đầu tiên sẽ chào sàn vào ngày 6/10
- 01-04-2014Quý II/2014: Sẽ có quỹ ETF nội địa đầu tiên
Lóe sáng rồi… vụt tắt
Từ đầu tháng 5 đến nay, VN Index đã vượt qua 600 điểm, tuy nhiên tâm điểm của thị trường nằm ở nhóm CP dầu khí, ngân hàng… Nếu sở hữu CP không phải hàng hot, dù chỉ số CK có tăng, NĐT cũng không thể cười được. Lúc này NĐT có thể có 2 sự lựa chọn: Hoặc tìm mua CP đang tập trung dòng tiền, hoặc có thể “mua chỉ số” thông qua việc sở hữu chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF. Về mặt cảm tính, NĐT có lẽ tập trung ở lựa chọn thứ nhất. Lựa chọn thứ hai cũng có thể được tính đến nhưng có lẽ chưa nhiều, dù trên lý thuyết đây là sự lựa chọn hợp lý. Sở hữu CCQ biến thiên tương đồng với VN Index thì cần gì phải “vò đầu bứt tóc” để chọn lựa CP? Thực tế không phải vậy.
ETF nội địa hiện nay giống như một quán ăn có sản phẩm ngon, vệ sinh đảm bảo, phục vụ tốt, thiết kế đẹp, nhưng vẫn… chưa có khách. Điều này trong kinh doanh đôi khi xảy ra. Lựa chọn của chủ quán lúc này là có kiên trì tiếp tục cho quán hoạt động, tìm cách thu hút khách hàng chờ cơ hội phất lên, hay chuyển sang làm chuyện khác.
Vào thời điểm đầu quý III-2014, truyền thông nói rất nhiều về ETF, đặc điểm cũng như những lợi thế khi bỏ tiền vào loại hình quỹ này. Các CTQLQ, CTCK có liên quan đến ETF đã có một chiến dịch truyền thông hiệu quả để NĐT biết đến ETF. Thậm chí, hiệu ứng còn lan rộng đến cả những sinh viên ngành tài chính khi vào đêm chung kết cuộc thi “Bản lĩnh CFO” lần thứ V của Trường Đại học Kinh Tế TPHCM, ETF cũng được các thí sinh là sinh viên đem ra phân tích rất kỹ lưỡng. So với cách làm truyền thông của các loại hình quỹ khác như quỹ mở CP, quỹ mở trái phiếu, quỹ thành viên… thì ETF thực hiện hiệu quả hơn nhiều.
Nhưng kể từ sau ngày 6-10-2014, ngày đầu tiên 20,2 triệu CCQ E1VFVN30 (Quỹ ETF VFMVN30) do VFM quản lý, được giao dịch tại HOSE, hình ảnh của ETF nội địa dần phai nhạt. Trong 10 phiên gần nhất, có những phiên E1VFVN30 giao dịch đến 653.000 CCQ, nhưng có phiên không có giao dịch. Với thanh khoản thất thường như vậy, dù đã tăng từ 8.800 đồng/CCQ hồi tháng 1 lên 9.900 đồng/CCQ trong những ngày gần đây, E1VFVN30 cũng không dễ gì chinh phục được NĐT. Thậm chí có những người khi được hỏi hay nhắc mới nhớ rằng “à có ETF đang được giao dịch”. Cuối tháng 12-2014, đến lượt SSIAM đưa 10,1 triệu CCQ E1SSHN30 lên giao dịch tại HNX, nhưng tình cảnh cũng không khác mấy so với ETF của VFM.
Rõ ràng NĐT ấn tượng với khả năng “bắt bài” thêm/bớt CP của các ETF ngoại do bộ phận phân tích SSI thực hiện hơn là ETF của SSI (thông qua SSIAM). Sẽ rất đơn giản nếu cho rằng các CTQLQ kém tài trong việc vận hành các ETF, nhưng nhìn ở nhiều góc độ có lẽ nên cho rằng CTQLQ và các bên liên quan “chưa thành công” hơn là thất bại. Việc một sản phẩm trong ngành quản lý quỹ xuất hiện trên thị trường và đón nhận cái nhìn dè dặt của công chúng là chuyện… bình thường. Thậm chí ngay cả năm 2015 được xem là năm thành công của nhiều quỹ mở nội địa với suất sinh lời cao hơn tiền gửi tiết kiệm hoặc biến động của VN Index, thì tiền vẫn cứ đổ vào rất chậm thay vì ồ ạt.
Chưa thực sự nỗ lực?
Có thể nói những quỹ này chưa may, nhưng một phần nào đó cũng bởi từ giai đoạn 2013 trở về trước, một số CTQLQ nội địa đã hoạt động kém hiệu quả gây mất niềm tin. Điều đáng ghi nhận ở đây là ngoài chiến lược truyền thông, CTQLQ đã kêu gọi được cả CTCK tham gia góp vốn vào ETF. Mục tiêu ở đây có lẽ không chỉ dừng lại ở huy động vốn, bởi đây không phải là thế mạnh nhất của CTCK. Khi huy động vốn cho E1VFVN30, VFM đã gọi vốn được từ HSC và BVSC là 2 CTCK lớn. SSIAM cũng trực thuộc SSI là CTCK hàng đầu. Nghĩa là các CTQLQ đều đã bắt tay được với những “nhà phân phối” hàng đầu để bán CCQ. Như trường hợp của E1VFVN30, có HSC và BVSC góp vốn, đồng thời 2 CTCK này cũng đảm trách luôn cả khâu phân phối.
Như vậy liệu các nhà phân phối này đã làm việc hiệu quả hay chưa? Do NĐT không thích ETF hay CTCK chưa làm hết sức trong việc khuyến khích mọi người thử một kênh đầu tư mới? Nói đến đây, cần xem xét đến yếu tố quan trọng nhất là chất lượng của sản phẩm. Rõ ràng so với ETF ngoại thì ETF nội có nguồn vốn thấp hơn và đây cũng là một thiệt thòi đáng kể. Vốn ít nên những giao dịch của ETF nội khó lòng tạo sóng hay gây bão trên thị trường để từ đó tạo ra sự cuốn hút riêng. Việc mô phỏng theo thị trường đôi khi có thể bị nhìn nhận là “lệ thuộc”. Trong khi đó, cứ nhìn việc đến kỳ rà soát danh mục (review) của ETF ngoại, cả thị trường lại đoán già đoán non CP nào sẽ được chọn hoặc bỏ sẽ thấy rất khác.
Thành thực mà nói, nhìn vào nguồn lực của CTQLQ và các đơn vị có liên quan, hậu thuẫn phía sau, việc ETF nội có thể tìm ra “chiêu thức” gì đó cho mình cũng không phải là điều bất khả thi. Chẳng hạn, việc phân bổ danh mục, tỷ trọng như thế nào để có lợi so với diễn biến của chỉ số, thị trường (tất nhiên có cả rủi ro) cũng là điều có thể làm được nếu muốn. Vấn đề là các quỹ ETF có muốn làm và làm đến nơi đến chốn hay không.
Có một thành công không thể phủ nhận là khi cho ra mắt được ETF đến thời điểm này VFM hay SSIAM xem như đã là những đơn vị tiên phong và điều này sẽ ghi những dấu ấn mạnh mẽ trong hồ sơ năng lực. Điểm tiếp theo cần nói đến là thêm một loại hình quỹ sẽ giúp cho hệ sinh thái sản phẩm của CTQLQ nhìn chung trở nên đa dạng hơn. Ngay cả đối với các CTCK, việc có thêm sản phẩm để phân phối cũng tạo ra cơ hội gia tăng nguồn thu và cũng được tiếng là nỗ lực và năng động. Và nếu CTQLQ đủ lực, đủ kiên nhẫn để chờ đợi, khi thời cơ đến có thể chọn lựa thúc đẩy một hay một vài sản phẩm chủ lực để từ đó thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn.
Sài Gòn đầu tư