MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy hoạch phát triển đô thị Sài Gòn và Hà Nội đúng hướng, tương lai sẽ tương tự như Singapore

04-02-2017 - 17:08 PM | Bất động sản

“Đô thị nén” – cụm từ được dùng nhiều khi nhắc về quy hoạch khu trung tâm Hà Nội hay Tp.HCM. Nhưng thực tế hiện nay hệ thống hạ tầng tại TP.HCM hay Hà Nội chưa phù hợp cho một “đô thị nén” đúng nghĩa.

Theo nghiên cứu của Tập đoàn BĐS Novaland, quy hoạch phát triển đô thị nén ở khu trung tâm Hà Nội và Sài Gòn đang mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng cho BĐS một số khu vực ven trung tâm. Trong đó, khu Đông Sài Gòn là một trong 2 hướng phát triển chính. Với điều kiện hiện tại, khu vực này đang có nhiều lợi thế so với các khu vực còn lại.

Đô thị nén là gì?

Quy hoạch phát triển đô thị Tp.HCM và Hà Nội là tương tự như nhau. Cụm đô thị được tạo nên bởi một vùng đô thị trung tâm và một nhóm các đô thị điểm dân cư khác trong vùng ảnh hưởng có quan hệ mật thiết và tương hỗ với nhau về các hoạt động kinh tế - xã hội (sản xuất, lao động, dịch vụ, nghỉ ngơi, giải trí…) và đặc biệt chúng được liên kết chặt chẽ với nhau bằng một hệ thống giao thông hiện đại và phát triển.

Trên quan điểm sử dụng đất, đô thị trong từng giai đoạn phát triển có thể tăng trưởng theo một trong ba loại hình thái đô thị (urban form). (1) tăng trưởng gắn với mở rộng diện tích đất đô thị; (2) tăng trưởng gắn với tăng mật độ dân cư trên diện tích đất hiện có (đô thị nén); (3) tăng trưởng bằng cách kết hợp hai loại hình thái trên.

Loại hình thái đô thị thứ hai gọi là “đô thị nén”, theo tên gọi do Dantzig và Saaty đưa ra từ năm 1973 và được thông dụng tại châu Âu, trong khi tại Bắc Mỹ tên gọi “tăng trưởng thông minh” (Smart Growth). Đặc điểm chính của đô thị nén là có mật độ đô thị tương đối cao, sử dụng hỗn hợp đất đai, khuyến khích đi bộ và xe đạp, chú trọng giao thông công cộng.

Thực tế phát triển đô thị tại TP .HCM hay Hà Nội cho thấy được tầm quan trọng của giao thông ra sao. Hệ thống hạ tầng tại TP.HCM và Hà Nội chưa phù hợp cho một “đô thị nén” đúng nghĩa.

Theo TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học (EEI), Tp.HCM hiện có gần 6 triệu xe máy, vào giờ cao điểm có tới 4,2 triệu xe máy trên đường. Đây là nguyên nhân chính của nạn kẹt xe nghiêm trọng.

Thực trạng này cũng tương tự ở Hà Nội, mới đây thành phố đã tổ chức cuộc thi sáng kiến chống kẹt xe với giải thưởng 300.000 USD.

Do vậy, để theo kịp mức độ đô thị hóa chúng ta phải phát triển kết hợp mở rộng diện tích đô thị. Khu trung tâm nên dành không gian cho chức năng công cộng. TP.HCM và Hà Nội khó có thể phát triển tập trung khu trung tâm với hệ thống giao thông hiện tại. Việc mở rộng ra vùng ven là điều tất yếu. Nhiều nước trên thế giới đều làm như vậy.

Bài học từ Singapore và Seoul

Từ năm 1947, chiến lược phát triển đô thị mới theo mô hình "5 ngón tay" dọc theo các tuyến đường sắt để giải quyết bài toán giao thông của Copenhagen đã trở thành mẫu mực cho thế giới. Từ đó, sau này mô hình phát triển đô thị này trở nên phổ biến tại các thành phố ở châu Âu.

Còn tại một số thành phố lớn trong khu vực, những vấn đề phát triển đô thị những năm 60, 70 để lại rất nhiều bài học quý giá để Tp.HCM và Hà Nội phát triển bền vững. Bởi những thành phố này thời đó có cũng phải giải quyết nhiều vấn như Tp.HCM và Hà Nội gặp phải hiện nay.

Singapore phải đối mặt với việc giải quyết nhà ở diện rộng ngay khi độc lập năm 1963 (lúc đó dân số là 1.8 triệu người, trên một lãnh thổ 700km2). Chính sách đập-và-xây được thực hiện suốt từ những năm 60 đến 70.

Quy hoạch kiến trúc mới của Singapore được thực hiện theo 3 hướng chính: nhà ở, công nghiệp, và thương mại. Ước tính từ năm 1971 đến năm 1997 có tới hơn 34 tòa nhà cao trên 140m. 

Chính điều này đã khiến lượng khách du lịch nước ngoài đến Singapore giảm đi rõ rệt. Tại sao người ta phải đến Singapore để gặp một khu metropolis hiện đại, khi mà họ còn có thứ hiện đại hơn ở Chicago, NewYork, Sidney,…

Tuy nhiên, người Singapore đã biết thay đổi. Bằng cách bảo tồn và mở rộng, họ đã giữ lại những khu mang tính lịch sử, di tích như Chinatown, Kampong Glam, Boat Quay, Little India…đồng thời mở rông phát triển ra vùng ven vào những năm đầu thế kỷ 20 như Secondary Settlement, Bungalows Area.

Họ nhận thấy tầm quan trọng của hạ tầng giao thông công cộng, và xây dựng kế hoạch chuyển hướng giao thông công cộng đi trước phát triển các khu dân cư bằng hệ thống các tuyến đường trục chính và mạng lưới metro.


Nguồn: Paul Barter
Director, Reinventing Transport
and Adjunct Professor, LKY School of Public Policy, National University of Singapore

Nguồn: Paul Barter
Director, Reinventing Transport
and Adjunct Professor, LKY School of Public Policy, National University of Singapore

Còn ở Seoul (Hàn Quốc), trước những năm 70 đa số dân cư sống ở phía Bắc sông Hàn như quận thương mại, và cũng là điểm tụ lại của các đầu mối giao thông toả ra các hướng. Nhưng sau đó, quá trình đô thị hoá nhanh ở phía Nam sông Hàn thì dân cư bố trí được cân bằng hơn.

Nhìn vào quy hoạch và phát triển đô thị tại Hà Nội và Tp.HCM đến 2030 và tầm nhìn 2050 có vẻ tương tự với hình thái phát triển đô thị với nhiều đô thị lớn trên thế giới. Đó là gồm khu trung tâm nội đô lịch sử và các đô thị vệ tinh được gắn kết với nhau bằng các trục giao thông hướng tâm và vành đai.

Mạng lưới giao thông đô thị tại Tp.HCM

Mạng lưới giao thông đô thị tại Tp.HCM

Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030

Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị tại Hà Nội và Tp.HCM dường như đang gặp phải 2 vấn đề. Một là, khu trung tâm đang quá tải hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển trong khi chung cư cao tầng mọc lên như nấm, do vậy, cả trung tâm Hà Nội và Tp.HCM chưa phát triển hình thái “đô thị nén” đúng nghĩa.

Hai là, khu mở rộng dù đang được đẩy mạnh đô thị hoá nhưng có vẻ khác với Singapore, khu dân cư lại đang mọc lên trước trong khi hạ tầng giao thông chưa thể theo kịp, chứ chưa nói là đi trước một bước.

Vì thế, để Tp.HCM và Hà Nội phát triển nhanh và bền vững không chỉ cần một hình thái phát triển đô thị đúng đắn, mà còn cần một giải pháp và tư duy mới trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố, để TP.HCM hay Hà Nội tương lai sau này được như Singapore, sánh ngang với nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Gia Bảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên