Quy mô 1.851 điểm bán và tập trung tại Tp.HCM cùng các tỉnh phía Nam, Bách Hoá Xanh đề nghị được giảm 50% chi phí mặt bằng trong 1 năm
"Chúng tôi cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng khó khăn chung của dịch bệnh, mặc dù Ban Giám đốc và nhân viên của Bách Hoá Xanh đã tìm kiếm nhiều giải pháp để tiếp tục phát triển, cắt giảm chi phí, đẩy mạnh hàng hoá", công văn của Bách Hoá Xanh ghi.
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt tại Tp.HCM và các tỉnh thành miền Nam nói chung. Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm với thị trường chính là phía Nam, ngày 22/6 vừa qua, Bách Hoá Xanh (đơn vị trực thuộc CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG)) đã có công văn gửi đến đối tác mặt bằng, đề nghị giảm 50% chi phí thuê mặt bằng trong 1 năm để chia sẻ khó khăn.
"Chúng tôi cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng khó khăn chung của dịch bệnh, mặc dù Ban Giám đốc và nhân viên của Bách Hoá Xanh đã tìm kiếm nhiều giải pháp để tiếp tục phát triển, cắt giảm chi phí, đẩy mạnh hàng hoá", công văn của Bách Hoá Xanh ghi.
Tính đến thời điểm 31/5/2021, Bách Hoá Xanh có tổng cộng 1.851 điểm bán (tăng 48 cửa hàng trong tháng 5) tại 25 tỉnh thành. Theo phạm vi phân bố, 70% số cửa hàng hoạt động ở tỉnh, so với tỷ lệ 65% cùng kỳ năm trước.
Trước đó vào đợt bùng dịch thứ nhất vào đầu tháng 4/2020, MWG cũng từng có công văn kêu gọi đối tác giảm 50% giá thuê mặt bằng trong 12 tháng, miễn phí thuê mặt bằng bị tạm ngưng kinh doanh bởi Covid-19 do ảnh hưởng nặng nề bới Covid-19, đặc biệt nhiều cửa hàng Thế giới Di động, Điện Máy Xanh phải tạm đóng.
Doanh thu Bách Hoá Xanh năm 2020 tăng gấp đôi và đóng góp 20% tổng doanh thu toàn Công ty, vẫn còn lỗ 2.000 tỷ đồng
Riêng Bách Hoá Xanh, được xem là động lực tăng trưởng chính của MWG khi hai ngành hàng di động, điện máy đi vào giai đoạn bão hoà, chuỗi được Công ty mạnh tay rót vốn và phát triển. Cửa hàng đầu tiên chính thức có mặt trên thị trường từ cuối năm 2015. Đến cuối năm 2016, Bách Hóa Xanh hoàn tất giai đoạn thử nghiệm với hơn 40 siêu thị tập trung ở quận Tân Phú, Bình Tân, Tp.HCM. Đến năm 2018, Bách Hoá Xanh cho biết đã tìm ra công thức thành công, đây cũng là năm ban lãnh đạo MWG tuyên bố sẽ dốc sức cho Bách Hoá Xanh, tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ thực phẩm.
Ghi nhận đến năm 2020, Bách Hoá Xanh theo chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã vươn lên trở thành "bệ đỡ" tăng trưởng chính của cả Công ty, với doanh thu tăng gấp đôi so với năm 2019 và đóng góp đến 20% tổng doanh thu MWG.
"Chuỗi Bách Hoá Xanh đang đẩy mạnh các điểm bán kinh doanh tốt và mở mới mô hình cửa hàng diện tích lớn từ 500m2 trở lên với 6.000-8.000 lựa chọn hàng hoá, đa dạng không kém kênh siêu thị. Tuy nhiên, chuỗi còn được bố trí tiện lợi nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm nhanh chóng của khách hàng. Một số cửa hàng được sắp xếp đi cùng với nhà thuốc An Khang để tận dụng số lượng khách hàng đông đảo đến tham quan và mua sắm", tâm thư người đứng đầu cho hay.
Cần nhấn mạnh, với phương châm là điểm mua sắm tiện lợi, hiện đại cùng giá cả phải chăng, Bách Hoá Xanh đã ghi dấu ấn rất tốt với người tiêu dùng trong những năm qua. Chú trọng thái độ phục vụ của nhân viên cũng là điểm cộng cho chuỗi Bách Hoá Xanh.
Dù tăng trưởng nhanh về doanh số, áp lực đầu tư khiến Bách Hoá Xanh ước tính lỗ khoảng 10% doanh thu mỗi năm. Đến cuối năm 2020, Bách Hoá Xanh vẫn còn lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng. Chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, ông Tài cho biết có thể nói rằng tiền lãi từ Bách Hoá Xanh sẽ trang trải được mọi chi phí, ngoại trừ khấu hao là chưa xử lý được; thêm năm nữa sang 2022 thì khoản này sẽ được xử lý, tức năm 2022 Bách Hoá Xanh theo kế hoạch sẽ chính thức có lời.
BCTN 2020 của MWG.
Sang năm 2021, 5 tháng đầu năm Bách Hoá Xanh tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của MWG. Chuỗi ghi nhận doanh thu hơn 10.600 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu Bách Hoá Xanh lần đầu tiên vượt mốc 2.500 tỷ đồng trong tháng 5, tăng 19% so tháng 4 và tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng này đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội. Nhờ doanh thu tăng đột biến trong tháng 5, Bách Hoá Xanh đang tiệm cận mức hòa vốn EBITDA ở cấp độ công ty.
Những tín hiệu khả quan về mua sắm giữa đại dịch của Bách Hoá Xanh nhanh chóng phản ánh vào thị giá cổ phiếu MWG trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu tăng một mạch bất chấp những nhịp điều chỉnh của thị trường chung, từ mức 140.000 đồng/cp lên thẳng vùng 180.000 đồng/cp chỉ sau 1 tháng giao dịch.
Dù vậy, những phiên gần đây thị giá MWG biến động mạnh giữa bối cảnh lùm xùm về giá cả tại các cửa hàng Bách Hoá Xanh.
Chiều ngày 16/7, sau khi nhận thông tin phản ánh của người dân về tình trạng một số điểm kinh doanh tăng giá mặt hàng, đặc biệt là chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh trên địa bàn Tp.Thủ Đức, Cục quản lý thị trường (QLTT) Tp.HCM đã phối hợp với cơ quan chức năng Tp.Thủ Đức tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trả lời tổ kiểm tra, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Bách hóa xanh, cho biết hiện có 560 điểm bán hàng của Bách hóa xanh ở Tp.HCM. Bình thường, mỗi ngày Bách hóa xanh cung cấp 500-600 tấn rau nhưng trong ngày 14 và 15-7 đã nâng lên thêm 2.100- 2.500 tấn, sắp tới tăng lên 3.000 tấn.
"Gần đây có một số phản ánh về giá bán Bách Hoá Xanh cao, hiện nay Bách Hoá Xanh đang thu nhập đầy đủ thông tin sẽ trả lời sớm bằng văn bản chính thức cho cơ quan chức năng rõ về việc trên. Giá bán rau tại Bách Hoá Xanh thời điểm này có cao hơn so với trước dịch hay không, chúng tôi thừa nhận là có", ông Doanh nói.
Tuy nhiên, Bách Hoá Xanh cũng cam kết nếu bó rau giá 20.000 đồng thì khách hàng sẽ có bó rau đúng giá trị 20.000 đồng đã bỏ ra để mua. Nếu bán cà chua với giá 30.000 đồng thì khách hàng cũng có cà chua chất lượng tương đương mức giá 30.000 đồng để mua.
Mục tiêu chính của Bách Hoá Xanh thời điểm này là bằng mọi cách phải mang hàng về phục vụ cho người dân và niêm yết giá rõ lên các sản phẩm, vị này nhấn mạnh. Nếu khách hàng thấy điều gì chưa được, bất hợp lý thì xin phản ánh và Bách Hoá Xanh xin tiếp nhận.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị