MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy mô GRDP vượt 100.000 tỷ, cửa ngõ phía tây của Hà Nội sẽ là nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Kinh tế của tỉnh phục hồi, phát triển nhanh với tốc độ ấn tượng 7,58% năm 2023 thuộc nhóm 15 địa phương cao nhất cả nước.

"Nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi" với tốc độ phát triển vượt bậc

Tỉnh Phú Thọ có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng. Tỉnh này là cửa ngõ phía tây của Thủ đô Hà Nội; trung tâm kết nối tiểu vùng Đông Bắc với tiểu vùng Tây Bắc và trục hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc); nơi hợp lưu của ba con sông lớn: sông Hồng, sông Đà và sông Lô.

Đây là điều kiện thuận lợi để Phú Thọ liên kết không gian, mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối liên vùng, nhất là hệ thống đường cao tốc đã và đang được đầu tư phát triển đồng bộ.

Đặc biệt, Phú Thọ là vùng đất Tổ, nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, của truyền thống lịch sử và là nơi lưu giữ những trầm tích văn hóa, giá trị nguồn cội của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước.

Quy mô GRDP vượt 100.000 tỷ, cửa ngõ phía tây của Hà Nội sẽ là nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng - Ảnh 1.

Hình ảnh cầu đi bộ rực rỡ về đêm (Nguồn: Internet)

Trong năm qua, kinh tế của tỉnh phục hồi, phát triển nhanh với tốc độ ấn tượng 7,58% năm 2023 thuộc nhóm 15 địa phương cao nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế (GRDP) vượt mốc 100.000 tỷ đồng, cao gấp hơn 4 lần năm 2010.

Năng lực cạnh tranh với chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) nằm trong top 10.

Các chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) nằm trong nhóm 20 trên 63 tỉnh, thành phố đã đưa Phú Thọ trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư, trong đó nguồn vốn đầu tư trong nước năm 2023 tăng 19,5%, đầu tư nước ngoài tăng 20,3%. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư với 18/20 tuyến đường giao thông trọng điểm được triển khai nhanh, vượt tiến độ.

Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía bắc, là một trong những trung tâm văn hóa, lễ hội gắn với cội nguồn dân tộc Việt Nam; một trong ba cực tăng trưởng trong trục động lực vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ; trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc; là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh bình quân thời kỳ 2021 - 2030 từ 10,5%/năm trở lên; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,5 - 9,0%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt trên 12%/năm. GRDP bình quân người năm 2030 đạt 6.000 - 6.200 USD/người.

3 trụ cột phát triển kinh tế

Trên quy hoạch, Phú Thọ thực hiện định hướng phát triển một số ngành kinh tế trụ cột với công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hiện đại, du lịch mũi nhọn.

Theo đó, công nghiệp phải bền vững, thân thiện với môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; giữ vững vai trò là trung tâm công nghiệp của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Quy mô GRDP vượt 100.000 tỷ, cửa ngõ phía tây của Hà Nội sẽ là nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng - Ảnh 2.

Quy mô GRDP vượt 100.000 tỷ, cửa ngõ phía tây của Hà Nội sẽ là nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng - Ảnh 3.

Đồi chè Long Cốc (Nguồn: Cungphuot.info, Nguyen Phuc Thanh)

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỉ trọng các sản phẩm dịch vụ chất lượng và giá trị gia tăng cao; hình thành chuỗi cung ứng, phân phối hiện đại và trở thành một trong những trung tâm thương mại, logistics của vùng, trên cơ sở quy hoạch đồng bộ, tính toán đầy đủ chi phí, lợi ích của các phương thức vận tải, tuyến giao thông đô thị, kết nối đường bộ, đường sắt cao tốc, giao thông thủy nội địa.

Phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, thông minh gắn với chuỗi giá trị, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Gắn kết du lịch văn hóa, lịch sử với du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, sinh thái, tự nhiên, nông nghiệp kết hợp chăm sóc sức khỏe; tăng cường quảng bá thương hiệu và kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng.

Theo Pha Lê

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên