MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy mô “khủng” của mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội tương lai: Dài ngang ngửa đường lên Tây Bắc, dự chi hơn 35 tỷ USD làm thêm 8 tuyến đi khắp Thủ đô

Trong tương lai, Hà Nội sẽ có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318km.

Từ năm 1998, Chính phủ đã định hướng đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội. Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường sắt đô thị (metro) Thủ đô gồm 9 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km, bằng quãng đường từ Thủ đô lên Tây Bắc.

Sau 25 năm phát triển, Hà Nội mới có 1 tuyến metro đi vào hoạt động là tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông) dài hơn 13km.

Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô sửa đổi của Bộ Tư pháp hồi tháng 10, Hà Nội cần 888.000 tỷ đồng (36 tỷ USD) cho 9 tuyến đường sắt đô thị. Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông đã khai thác, 4 tuyến có cam kết về vốn, những tuyến còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.

Quy mô “khủng” của mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội: Dài ngang ngửa đường lên Tây Bắc, dự chi hơn 35 tỷ USD làm thêm 8 tuyến đi khắp Thủ đô - Ảnh 1.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội.

Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên) gồm hai nhánh: Ngọc Hồi - Ga trung tâm Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên và Gia Lâm - Dương Xá (Phú Thụy). Tuyến đi trên cao kết hợp giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia, chiều dài tuyến khoảng 36km. Tổng mức đầu tư 44.000 tỷ đồng.

Dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2004, dự kiến khởi công từ năm 2007 theo đúng quy hoạch, thực tế đến nay đã triển khai thiết kế kỹ thuật từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản (giai đoạn 1); Bộ GTVT đang bàn giao tài liệu để Hà Nội tiếp tục triển khai đầu tư.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Hà Đông – Nội Bài) bắt đầu từ Sân bay Nội Bài - Nam Thăng Long - Nguyễn Văn Huyên (kéo dài) – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thuỵ Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng và cuối cùng đến Trần Hưng Đạo.

Tuyến này dài 42km theo quy hoạch; tổng mức đầu tư duyệt năm 2008 của tuyến số 2 là 19.555 tỷ đồng. Năm 2018, dự án đã được UBND TP Hà Nội giao cho Tập đoàn Vingroup thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo hình thức đối tác công tác công - tư, hình thức hợp đồng BT. Tuy nhiên, đến tháng 4/2021, UBND TP Hà Nội quyết định dừng thực hiện nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 2 do hình thức hợp đồng BT không còn được áp dụng theo quy định.

Hồi tháng 8, UBND TP Hà Nội có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, chiều dài tuyến xin điều chỉnh là 11,5 km, trong đó 8,9 km đi ngầm, 2,6 km đi trên cao; với 10 đoàn tàu thay vì 14 đoàn tàu như quyết định cũ; điều chỉnh tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án lên 51,37 ha thay vì 49,06 ha (tăng 2,31 ha); đề xuất điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư là 35.588 tỷ đồng, tăng 16.033 tỷ đồng (tương đương tăng 82%) so với quyết định phê duyệt dự án vào năm 2008. Hà Nội cũng xin được điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2009-2031. Hiện tại, Bộ GTVT cho biết đang điều chỉnh dự án để triển khai bước tiếp theo.

Tuyến số 2A (đường sắt Cát Linh - Hà Đông) dài gần 14 km đã đi vào hoạt động sau gần 10 năm xây dựng (khởi công vào tháng 10/2011), với tổng đầu tư từ 8.700 tỷ lên 18.000 tỷ đồng. Số liệu từ Bộ GTVT đến hết tháng 8/2023 cho thấy, sau 22 tháng khai thác thương mại, tuyến này vận chuyển được gần 16 triệu lượt khách, bình quân khoảng 30.000 lượt khách/ngày.

Quy mô “khủng” của mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội: Dài ngang ngửa đường lên Tây Bắc, dự chi hơn 35 tỷ USD làm thêm 8 tuyến đi khắp Thủ đô - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt đô thị số 2A (đường sắt Cát Linh - Hà Đông)

Tuyến đường sắt đô thị số 3 (Trôi – Nhổn – Yên Sở) có lộ trình đi qua Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai với chiều dài khoảng 26 km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây với tổng chiều dài dự kiến 48 km.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Kim Mã dài 8,5km và đoạn đi ngầm Kim Mã - Ga Hà Nội dài 4km. Dự án được tăng tổng mức đầu tư từ 18.000 tỷ đồng lên 34.532 tỷ đồng.

Tiến độ tuyến này đạt khoảng 78% tính đến tháng 8, cơ bản hoàn thành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy và đang tiến hành chạy thử tàu, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm nay. Đoạn Cầu Giấy - ga Hà Nội đang thi công, dự kiến đưa vào khai thác năm 2027.

Tuyến metro số 3 khi đưa vào khai thác dự kiến vận chuyển 8.600 hành khách/giờ và mỗi chiều trong thời gian đầu, trước khi tăng lên mức vận chuyển tới 23.900 hành khách/giờ. Tuyến đường này được cho là có khả năng giảm tới 20.000 tấn khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm.

Tuyến đường sắt trên cao số 4 (Liên Hà – Bắc Thăng Long) có lộ trình đi qua Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai - Thanh Xuân - Bắc Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh với chiều dài khoảng 54 km. Tuyến này được thiết kế theo dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và 5; đi qua Vành đai 2,5. Hiện tại, dự án chưa triển khai và dự kiến hoàn thành sau năm 2030.

Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Cổ Loa – An Khánh) dài khoảng 39 km với 21 ga (6 ga ngầm và 15 ga nổi), dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2026.

Tuyến khởi đầu từ khu vực đường Văn Cao giao với Hoàng Hoa Thám, dự án sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long. Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), metro số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.

Tháng 9/2023, dự án được phê duyệt Kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Với quy mô đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng, đây sẽ là tuyến đường sắt đô thị có quy mô vốn đầu tư lớn nhất trong số các tuyến metro đã hoàn thành bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại Hà Nội.

Đáng chú ý, trong chuyến khảo sát Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngay Bộ GTVT và Hà Nội triển khai ngay tuyến đường sắt đô thị số 5 từ trung tâm Hà Nội đến Hòa Lạc để giải quyết vấn đề kết nối giao thông.

Tuyến đường sắt số 6 dài 43 km đi từ Nội Bài đến khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, đồng thời kết nối với tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và tuyến số 7 tại Dương Nội.

Tuyến đường sắt số 7 có lộ trình đi qua Mê Linh - Đô thị mới Nhổn - Vân Canh - Dương Nội với chiều dài khoảng 28km. Tuyến này sẽ kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, đồng thời giao với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội. Tổng chiều dài tuyến số 7 khoảng 35 km.

Cuối năm 2022, UBND TP Hà Nội giao các đơn vị liên quan nghiên cứu dự án, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuyến đường sắt đô thị số 8 (Cổ Nhuế - Trâu Quỳ), có lộ trình từ Sơn Đồng - Mai Dịch (trung chuyển với tuyến số 2) - vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá với chiều dài khoảng 37 km. Đoạn từ Sơn Đồng - Mai Dịch quy hoạch đi cao, đoạn tuyến đi theo vành đai 3 đến Lĩnh Nam đi ngầm, đoạn tuyến từ Lĩnh Nam - vượt sông Hồng - Dương Xá đi trên cao. Hiện tại dự án chưa triển khai.

Nhật Minh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên