MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy mô nhân sự của các công ty tài chính đang khiến ngân hàng phải giật mình

01-04-2017 - 17:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Riêng nhóm 4 công ty tài chính đang dẫn đầu thị phần đã có số nhân sự lên đến gần 40.000 người, trong đó Fe Credit hiện có quy mô nhân sự tương đương với...Vietcombank.

Khoảng 2 năm trở lại đây các công ty tài chính, đặc biệt là những cái tên như Fe Credit, Home Credit, HD Saison…làm mưa làm gió thị trường. Với lợi nhuận nghìn tỷ đóng góp cho ngân hàng mẹ mỗi năm, Fe Credit đã đưa VPBank vươn lên dẫn đầu khối các ngân hàng thương mại cổ phần về lợi nhuận và khiến cho hàng loạt các ngân hàng khác phải thèm khát.

Trên thị trường, một số liệu được các chuyên gia thống kê cho thấy, dư nợ của nhóm các công ty tài chính hiện tổng cộng khoảng 50 nghìn tỷ đồng, bằng chưa đến 0,01% tổng dư nợ hơn 5,5 triệu tỷ đồng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Huy động vốn của nhóm này cũng rất nhỏ, tổng cộng khoảng 40 nghìn tỷ đồng, tương đương mức huy động của một ngân hàng nhỏ nhất trong hệ thống.

Tuy nhiên có một con số đáng lưu ý của nhóm công ty này đó là về quy mô nhân sự.

Thống kê cho thấy, riêng Fe Credit đã có hơn 15.000 nhân viên, tương đương nhân sự của Vietcombank và cao hơn tất cả các ngân hàng cổ phần tư nhân khác, ngoại trừ Sacombank.

Home Credit Việt Nam có hơn 10.000 nhân viên, tương đương số nhân sự của VPBank và nhiều hơn nhân sự của Techcombank, Ngân hàng Quân đội, VIB…

Công ty tài chính HD Saison – liên doanh giữa công ty tài chính của HDBank với Credit Saison của Nhật – cũng có tới hơn 9.000 nhân sự.

Công ty tài chính Prudential không cho biết số lượng nhân sự cụ thể, tuy nhiên dựa vào thị phần tương đương HD Saison thì thấy rằng số nhận sự cũng không dưới vài nghìn người.

Như vậy riêng nhóm các công ty tài chính đang dẫn đầu thị trường đã có số nhân sự lên đến gần 40.000 người – một con số khổng lồ. Ở các công ty tài chính khác chiếm thị phần nhỏ và mới thành lập, nhân sự cũng lên đến hàng nghìn người.

Theo lý giải của một lãnh đạo công ty tài chính thì do đặc thù của công ty tài chính là không thể tận dụng mạng lưới hệ thống chi nhánh như ngân hàng mà phải làm việc trực tiếp với khách hàng tại các điểm phân phối hàng hóa nên nhân sự phải đủ đông mới phủ được các điểm bán hàng quan trọng.

Và không chỉ có các điểm bán hàng, các công ty tài chính hiện nay còn đặt quầy tư vấn tại doanh nghiệp. Ngoài cho vay tiền mặt thì họ còn cho vay phổ biến trong lĩnh vực điện máy và xe cộ.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao các công ty tài chính lại phải tuyển dụng lực lượng lao động đông đến vậy, liệu chi phí cho lao động có ngốn hết doanh số mà họ làm ra hay không? Giám đốc phụ trách về đào tạo nhân lực của một ngân hàng lớn trong hệ thống phân tích rằng, số lượng nhân sự của các công ty tài chính đúng là rất đông, tuy nhiên phần lớn trong số họ là cộng tác viên chứ không phải nhân viên chính thức.

“Các cộng tác viên, và kể cả nhân viên của công ty tài chính chỉ được hưởng một phần lương cứng không đáng kể, phần còn lại phụ thuộc vào hoa hồng bán hàng nên các công ty không quá lo ngại về vấn đề chi phí cho nhân viên”, ông nói.

Đề cập đến việc các nhân sự của công ty tài chính đông như vậy liệu có ảnh hưởng tới nguồn nhân lực của ngân hàng cũng như hoạt động bán lẻ của các ngân hàng hay không khi mà xu hướng cho vay tiêu dùng đang ngày càng phổ biến trong các ngân hàng bán lẻ, ông cho rằng sẽ có hai xu hướng dịch chuyển nhân sự.

Một là, các công ty tài chính sẽ thu hút người giỏi từ phía các ngân hàng, và hai là chiều ngược lại, những sales giỏi ở các công ty tài chính sau này sẽ gia nhập các nhà băng.

Còn về khả năng cạnh tranh giữa các công ty tài chính với ngân hàng, ông cho rằng hầu như không có tác động đáng kể do tỉ trọng cho vay tiêu dùng (tín chấp) của các ngân hàng không quá lớn. Hơn nữa, bản thân tín chấp của hai nhóm này cũng khác nhau, trong đó ngân hàng chỉ cho vay người đi làm và có thu nhập ôn định trong khi nhóm công ty tài chính đối tượng khách hàng của họ là khách hàng dưới chuẩn và lãi suất cao hơn.

Quan điểm của vị lãnh đạo ngân hàng nói trên cũng trùng với các chuyên gia trước đó khi đánh giá công ty tài chính và ngân hàng sẽ khó có cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên