MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyền xử lý tài sản bảo đảm dưới góc nhìn kinh tế

05-12-2016 - 14:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục đến thực thi pháp luật liên quan đến tín dụng ngân hàng, đặc biệt là liên quan đến xử lý TSBĐ, tài sản thế chấp.

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
52 bài viết

Vì sao cần có TSBĐ

Hiện tại đang có nhiều quy định luật pháp về tài sản bảo đảm (TSBĐ). Theo Điều 326 Bộ Luật dân sự: “Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Khoản 1, điều 432 quy định “Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp”.

Theo quy định tại Điều 342 Bộ Luật dân sự (2005) thì thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên cũng có thể thoả thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp là tài sản có thực và cũng có thể là tài sản hình thành trong tương lai.

Như vậy, TSBĐ tại NHTM và TCTD là tài sản/quyền tài sản được người đi vay cầm cố hoặc thế chấp tại NHTM/TCTD theo cam kết trong hợp đồng tín dụng nhằm đảm bảo trách nhiệm trả nợ khi đến hạn. Trường hợp người đi vay trả nợ đúng hạn theo hợp đồng tín dụng thì quyền đối với TSBĐ được hoàn trả lại đầy đủ và trọn vẹn cho người đi vay.

Ngược lại, trường hợp người đi vay không trả được nợ cho TCTD và trở thành nợ xấu thì người cho vay có quyền xử lý TSBĐ để khắc phục hậu quả do nợ xấu gây ra. Quyền xử lý TSBĐ bao gồm: chuyển quyền sở hữu TSBĐ từ người đi vay sang người cho vay; cho bên thứ ba nếu bên thứ ba nhận thanh toán nghĩa vụ nợ của người đi vay; người cho vay bán TSBĐ (phát mại) để thu hồi toàn bộ hay một phần nợ, phần dư sau khi bán (nếu có) được trả lại cho người đi vay.

Việc thực thi quyền xử lý TSBĐ hiện nay được đồng nghĩa với bảo vệ lợi ích của người cho vay. Tuy nhiên, những quy định pháp lý mang tính đặc thù về quyền và chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với đất đai nói riêng, bất động sản nói chung cũng như hệ thống quy định pháp lý liên quan đến nghĩa vụ hợp đồng, xử lý vi phạm hợp đồng còn hạn chế, chưa chặt chẽ và công bằng đi đôi với hạn chế bất cập trong quản lý… khiến cho việc thực thi quyền xử lý TSBĐ tại các TCTD gặp không ít khó khăn, tiêu tốn quá nhiều thời gian, sức lực, thậm chí có những trường hợp bất khả thi.

Bên cạnh đó, do thiếu sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi quyền xử lý TSBĐ hợp pháp của TCTD nên có trường hợp quyền hợp pháp biến thành quyền bán hợp pháp; hay thực thi quyền hợp pháp bằng công cụ không hợp pháp khiến cho dư luận xã hội phản đối, hoặc ít nhất là không đồng tình.

Quyền xử lý TSBĐ chỉ được thực thi một cách nhanh chóng, hiệu quả và hiệu lực khi và chỉ khi nhận thức về quyền, lợi ích và nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan trong quan hệ tín dụng ngân hàng được xác lập một cách đúng đắn dựa trên những cơ sở pháp lý khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam đồng thời tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Vì lợi ích của cả nền kinh tế

Đối với TCTD, xử lý được TSBĐ giúp TCTD xử lý được nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo chuẩn quốc tế và quy định của NHNN. Qua đó TCTD vừa giảm bớt nghĩa vụ trích lập dự phòng rủi ro, cải thiện tình hình tài chính vừa có điều kiện mở rộng hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh và cơ hội phát triển. Quan hệ tín dụng với các khách hàng vướng nợ xấu có cơ hội được phục hồi và cải thiện sau khi TSBĐ được xử lý tốt.

Theo đó, không những bù đắp toàn bộ thiệt hại gây ra từ nợ xấu cho TCTD mà còn có thể có nguồn lực tài chính bổ sung cho người đi vay giúp họ vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và một lần nữa trở thành khách hàng tốt của các TCTD.

Đối với người đi vay lợi ích cũng rất lớn khi TSBĐ được xử lý tốt không những giúp cho họ cải thiện được vị thế trên thị trường tín dụng ngân hàng, cởi bỏ gánh nặng nợ xấu đeo đẳng, sớm có cơ hội phục hồi hoặc tạo ra cơ hội kinh doanh mới, mà còn có thể thu hồi được một phần giá trị TSBĐ sau khi đã được xử lý tốt.

Việc xử lý TSBĐ dựa trên sự hợp tác đôi bên giữa người cho vay và người đi vay chắc chắn có lợi cho người đi vay hơn hẳn so với lựa chọn biện pháp kiện tụng và thi hành án. Lợi ích cao hơn của người đi vay trong trường hợp TCTD thực thi quyền xử lý TSBĐ thay vì khởi kiện ra tòa án không chỉ đạt được về mặt kinh tế - tài chính mà còn cả về mặt uy tín và khả năng phục hồi, duy trì, mở rộng các quan hệ sản xuất kinh doanh trong tương lai.

Đối với nền kinh tế, với gần như tuyệt đại bộ phận nợ xấu, cả nợ xấu tại các TCTD lẫn nợ xấu tại VAMC đều được bảo đảm bằng tài sản cầm cố, thế chấp. Trong đó phần lớn là những tài sản có tính thanh khoản cao và giá trị đang phục hồi, thậm chí tăng lên cùng với xu thế phục hồi của nền kinh tế, việc các TCTD xử lý thành công TSBĐ để giải quyết nợ xấu không chỉ giúp xử lý ngay và dứt điểm hàng loạt khoản nợ xấu, khơi thông thị trường tín dụng ngân hàng mà còn linh hoạt hóa được khối tài sản khổng lồ trị giá hàng trăm ngàn tỷ đồng đang nằm bất động mang lại lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế.

Nợ xấu được xử lý thông qua xử lý TSBĐ càng cao thì càng giảm nhu cầu đối với các nguồn lực tài chính khác dành để xử lý nợ xấu, kể cả nguồn lực tài chính của Nhà nước cũng như của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Có thể thấy những lợi ích rất lớn từ quyền xử lý TSBĐ. Đó là không chỉ bảo vệ lợi ích của người cho vay mà còn bảo vệ cả lợi ích của người đi vay và cao hơn nữa là bảo vệ lợi ích của cả nền kinh tế.

Nếu tình trạng xử lý TSBĐ liên quan đến nợ xấu tiếp tục phức tạp, kéo dài như hiện nay sẽ không chỉ làm nản lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tham gia thị trường mua bán nợ xấu với VAMC mà còn cản trở nỗ lực của chính mỗi NHTM trong việc tự xử lý nợ xấu.

Thế nhưng, rõ ràng, muốn xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả thì không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của riêng ngành Ngân hàng mà còn cần sự tham gia tích cực của các tổ chức đơn vị có liên quan. Đó là sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục đến thực thi pháp luật liên quan đến tín dụng ngân hàng, đặc biệt là liên quan đến xử lý TSBĐ, tài sản thế chấp.

NHNN nên đóng vai trò đầu mối phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng để chỉnh sửa các quy định có liên quan từ Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở đến các văn bản hướng dẫn dưới luật nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý TSBĐ, tài sản thế chấp, góp phần giải quyết dứt điểm nợ xấu, đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của chủ nợ và người vay nợ.

Theo TS.Vũ Đình Ánh

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên