MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

13-04-2024 - 23:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay giải pháp tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao.

Ngày 12-4, giá vàng miếng SJC có lúc được các doanh nghiệp bán ra ở mức 85 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với mức giá mở cửa giao dịch. Giá vàng nhẫn cũng tiếp tục tăng "nóng" lên 77,15 triệu đồng/lượng, cao hơn cuối ngày hôm trước 1 triệu đồng.

Thanh tra trong tháng 4-2024

Giới kinh doanh vàng cho biết người dân tập trung mua vàng nhẫn trong khi doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu để sản xuất khiến loại vàng này trở nên khan hiếm. Để hạn chế tình trạng đầu cơ, một số doanh nghiệp chỉ bán cho mỗi khách hàng 3-5 chỉ vàng.

Thị trường vàng nhiều thời điểm diễn biến bất ổn dù cơ quan quản lý đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp kiểm soát, bình ổnẢnh: TẤN THẠNH

Thị trường vàng nhiều thời điểm diễn biến bất ổn dù cơ quan quản lý đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp kiểm soát, bình ổn.Ảnh: TẤN THẠNH

Ở thị trường thế giới, giá vàng cũng trong đà tăng, chạm mốc 2.396 USD/ounce, tương đương 72,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC 13,5 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá vàng nhẫn hơn 4,5 triệu đồng/lượng.

Với tình trạng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch ở mức cao kéo dài, thị trường vàng có lúc rơi vào bất ổn, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành thị trường theo đúng quy định. Theo dõi sát giá vàng trong nước, thế giới để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, bảo đảm thị trường ổn định, khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ nhằm tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỉ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực hiện chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng, NHNN khẳng định sẽ triển khai ngay các giải pháp tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện tối đa bảo đảm đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho hay NHNN và các bộ, ngành đã lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4-2024 để kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.

Đối với Nghị định 24/2012, NHNN cũng đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện và đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung và triển khai trong thời gian tới.

Cần chiến lược căn cơ

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), thông tin nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới không sản xuất và không quản lý trực tiếp việc kinh doanh vàng của doanh nghiệp, mà chỉ mua vàng dự trữ và điều tiết vàng dự trữ. Việc kinh doanh và sản xuất vàng được trao cho thị trường.

"NHNN không nên khuyến khích kinh doanh vàng miếng. Cần xem vàng miếng là vàng trang sức, căn cứ vào tuổi vàng để định giá giao dịch. Khi đó, người dân sẽ không còn quan tâm đến vàng miếng, chênh lệch giá vàng miếng và vàng thế giới sẽ thu hẹp đáng kể" - ông Hùng phân tích.

Bình luận về một số giải pháp bình ổn thị trường vàng như cấp hạn ngạch nhập khẩu từng thời kỳ, trao quyền sản xuất vàng miếng cho doanh nghiệp, lập sàn giao dịch vàng..., GS-TS Trần Ngọc Thơ, ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng cần có đánh giá tác động của những giải pháp này đến nền kinh tế, bao gồm tác động đến tăng trưởng, ngân sách, công ăn việc làm... "Chúng ta cần xem xét vấn đề kỹ hơn và đưa ra các chính sách có thể bảo đảm rằng nhu cầu về vàng không gây nguy hiểm cho ổn định kinh tế vĩ mô" - GS-TS Trần Ngọc Thơ nêu quan điểm.

Theo ông Trần Ngọc Thơ, trong khi chờ đợi một chiến lược căn cơ cho thị trường vàng, cần đánh giá chính xác giá trị gia tăng của ngành chế tạo vàng trang sức để làm căn cứ ưu tiên nhập vàng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế tác. "Cứ 100 tấn vàng nhập khẩu, nếu sử dụng 20 tấn để chế tạo vàng trang sức xuất khẩu và giá trị gia tăng của vàng xuất khẩu là 4 lần thì có thể bù đắp lượng ngoại tệ nhập 80 tấn còn lại cho thị trường nội địa. Chí ít thì hoạt động này cũng tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách" - ông Thơ tính toán.

Theo GS-TS Trần Ngọc Thơ, giải pháp trên có thể giảm bớt phần nào chênh lệch giá vàng nhưng không tác động đáng kể đến tỉ giá và dự trữ ngoại hối quốc gia. "Đây mới chính là phương hướng phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh và bền vững mà Thủ tướng đã chỉ đạo khi chỉnh sửa Nghị định 24/2012" - ông Thơ bình luận. 

Theo Thy Thơ

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên