MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyết tâm không bao giờ rẽ trái: Nguyên tắc kỳ quặc nhưng giúp hãng vận chuyển đình đám thế giới tiết kiệm tới 50 triệu USD/năm, vì sao?

02-07-2021 - 23:56 PM | Sống

Quyết tâm không bao giờ rẽ trái: Nguyên tắc kỳ quặc nhưng giúp hãng vận chuyển đình đám thế giới tiết kiệm tới 50 triệu USD/năm, vì sao?

Nếu nghĩ rằng con đường ngắn nhất là đường thẳng, bạn đã nhầm. Bằng sự nhanh nhạy của mình, UPS đã chứng minh điều ngược lại.

Đường thẳng chưa chắc đã là ngắn nhất

Từ bé đến lớn, chúng ta thường được dạy rằng "Con đường ngắn nhất chính là đường thẳng". Tuy nhiên, bất kỳ ai đã từng qua game online đều sẽ nhận ra: điều này không còn chính xác nữa.

Có lẽ, ban lãnh đạo hãng chuyển phát nhanh UPS cũng đã từng là những game thủ. Công ty này giao cho các tài xế một lộ trình cố định, kèm theo chỉ dẫn không bao giờ được rẽ cắt đường của xe đi làn đối diện, trừ trường hợp cực kỳ khẩn thiết. Họ sẵn sàng đi một quãng đường xa hơn chỉ để tránh phải rẽ trái.

Ở những nước đi bên phải như Mỹ và Pháp, họ sẽ không bao giờ rẽ trái. Ở những nước đi bên trái như Anh và Australia, họ sẽ không bao giờ rẽ phải.

Trên thực tế, nguyên tắc lạ lùng này lại là một nước đi thiên tài, giúp UPS tiết kiệm gần 50 triệu USD/năm.

Một nghiên cứu từ Hiệp hội An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ cho thấy, hành động rẽ trái thường dẫn đến nhiều tai nạn hơn rẽ phải. Hơn 60% các vụ tai nạn xe hơi đều xảy ra khi đang rẽ trái - kể cả những vụ ở giao lộ, trong khi con số này chỉ là 3% khi đang rẽ phải.

Một thống kê đáng chú ý khác là rẽ trái có nguy cơ gây chết người đi bộ gấp 3 lần so với rẽ phải. Các chuyên gia cho rằng tài xế có thể bị phân tâm bởi những chiếc xe đang chạy tới khi rẽ trái.

Bên cạnh lý do an toàn, vấn đề về tài chính cũng là một yếu tố khiến UPS đề ra nguyên tắc kỳ lạ này.

"Rẽ trái cũng gây tốn nhiên liệu", Jack Levis - Giám đốc Cấp cao về Quản lý Quy trình của UPS - cho biết. "Xe của bạn sẽ rơi vào trạng thái chờ lâu hơn (bởi phải dừng cho các xe khác qua), mà điều này thì không tốt chút nào".

Ngoài ra, tài xế cũng cần tập trung cao độ hơn khi rẽ trái. Điều này kéo dài sẽ khiến tài xế bị kiệt sức, từ đó lái xe không còn hiệu quả.

Dù vậy, xe vận chuyển của hãng UPS đôi khi cũng rẽ trái nếu cần thiết. Trong vài năm trở lại đây, công ty này đã xây dựng một hệ thống cho phép họ biết chính xác chỗ nào đáng để rẽ trái và chỗ nào nên được bỏ qua.

Quyết tâm không bao giờ rẽ trái: Nguyên tắc kỳ quặc nhưng giúp hãng vận chuyển đình đám thế giới tiết kiệm tới 50 triệu USD/năm, vì sao? - Ảnh 1.

Tiết kiệm 50 triệu USD/năm nhờ 1 nguyên tắc kỳ quặc

Nhiều thập kỷ trước, "Không rẽ trái trừ khi khẩn thiết" là một quy tắc được các tài xế UPS dày dặn kinh nghiệm truyền lại cho những người mới đến. Sau đó, các kỹ sư đã vào cuộc và biến nó trở thành quy định chính thức.

"Trước khi có máy tính, ngành kỹ thuật chủ yếu là về đo đạc và quy trình", Levis cho biết. "UPS luôn tin vào dữ liệu cụ thể, không phải trực giác". Vì thế, họ đã cất công nghiên cứu để thiết kế lộ trình tiết kiệm và hiệu quả nhất dành cho các tài xế.

Năm 1991, UPS xây dựng DIAD - Thiết bị Thu thập Thông tin Vận chuyển. Đây là một loại máy tính cầm tay dùng để thu thập dữ liệu từ các xe tải chở hàng và gửi về cho đội ngũ kỹ thuật qua mạng di động. Phải nói rằng đây là một quyết định có phần đi trước thời đại của hãng vận chuyển nổi tiếng này.

DIAD giúp UPS tối ưu hóa quy trình làm việc và xác định các điểm chiến lược cho các trung tâm trong tương lai. Tuy nhiên, dù tuyệt vời đến đâu thì cỗ máy này cũng có giới hạn. Nó không thể tạo ra bản đồ theo thời gian thực, và vì thế, UPS liên tục phải tìm ra cách cải tiến.

12 năm sau, ORION ra đời. Đây là hệ thống Tối ưu hóa và Điều hướng Tích hợp Trên đường. Trong 6 năm đầu tiên, ORION được thử nghiệm trên nhiều trang khác nhau. Với các thuật toán học sâu như ORION, chúng càng trở nên thông minh khi có nhiều dữ liệu. Kết quả là UPS đã cho ra đời một hệ thống GPS được tùy chỉnh theo nguyên tắc vàng của mình.

"Chúng tôi có thể phân biệt các ngã rẽ, chỗ nào quan trọng cần đi, chỗ nào có thể bỏ qua", Levis tiết lộ. "Google Maps không làm được điều này, mà chỉ gợi ý con đường trực tiếp dẫn tới nơi cần đến."

Quyết tâm không bao giờ rẽ trái: Nguyên tắc kỳ quặc nhưng giúp hãng vận chuyển đình đám thế giới tiết kiệm tới 50 triệu USD/năm, vì sao? - Ảnh 2.

Cho đến năm 2016, những con đường do ORION tối ưu hóa đã giúp UPS tiết kiệm 37,8 triệu lít dầu mỗi năm, cũng như giảm thiểu 100.000 tấn khí thải CO2. Con số này ngày càng tăng khi ORION được sử dụng ở nhiều thành phố khác nhau và được cải tiến liên tục từ năm này qua năm khác.

Chỉ riêng số liệu của năm 2016 đã là một thành tích đáng nể đối với UPS và toàn bộ thế giới. Nhờ nguyên tắc lạ lùng này, hãng vận chuyển đình đám này đã tiết kiệm được 50 triệu USD/năm, còn thế giới ít bị chịu tác động bởi khí thải độc hại.

UPS đã "hack" trò chơi vận chuyển như thế nào?

Trong trò chơi điện tử, có chế độ được gọi là "speedrun". Người chơi sẽ chọn một trò, thông thường là trò cũ, sau đó tìm cách hoàn thành nó một cách nhanh nhất có thể.

Mỗi lượt speedrun đòi hỏi người chơi phải nghiên cứu và thử nghiệm rất nhiều lần. Nhiệm vụ nào là cần thiết, nhiệm vụ nào cần bỏ qua? Vật phẩm nào cần sử dụng để tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất? Liệu có lối tắt nào để đi không?

Để trả lời những câu hỏi này, người chơi cần phải chơi đi chơi lại nhiều lần, cho đến khi họ nắm hết mọi bí mật và đường đi nước bước. Đây cũng chính là cách mà UPS chiến thắng cuộc chơi vận chuyển: Họ áp dụng "speedrun".

Dưới đây là 3 chiến lược của UPS mà bất cứ ai làm kinh doanh cũng có thể áp dụng.

Quyết tâm không bao giờ rẽ trái: Nguyên tắc kỳ quặc nhưng giúp hãng vận chuyển đình đám thế giới tiết kiệm tới 50 triệu USD/năm, vì sao? - Ảnh 3.

1. Loại bỏ những chi phí dư thừa để tiết kiệm thời gian và tiền bạc

Trong nền văn hóa hối hả như hiện nay, ai cũng muốn có được "nhiều hơn nữa". Bán được nhiều hàng hơn, tìm được nhiều khách hàng hơn, sáng tạo ra nhiều nội dung hơn,... Tuy nhiên, gia tăng số lượng sản phẩm không phải là cách duy nhất để thành công. Giảm chi phí cũng đem lại hiệu quả tương tự.

Có thể địa điểm kinh doanh mà bạn đang thuê quá đắt đỏ. Có thể bạn đang dành quá nhiều thời gian tìm ứng viên trên LinkedIn. Liệu bạn có thực sự cần một chiếc máy tính mới tinh để làm việc? Hãy giảm bớt những nhu cầu dư thừa và bạn sẽ tiết kiệm được không ít tiền cho mình.

2. Cải tiến lề lối làm việc sẽ đem lại hiệu quả lớn

Hầu hết những câu chuyện thành công đều có sự góp mặt của một thứ tuy cũ nhưng vô cùng hiệu quả: hiệu ứng lãi kép. Hiệu ứng này chỉ ra, bạn có thể thể đạt được những thành tựu vĩ đại từ chính những việc nhỏ nhoi, khôn ngoan mà mình làm hàng ngày, dù có chủ đích hay không.

Thay vì đòi hỏi những thay đổi lớn lao, hãy nhìn vào những giá trị cơ bản và cố gắng cải tiến chúng. Có thể bạn chỉ cần thay đổi giao diện trang web để thúc đẩy doanh số bán hàng. Có thể bạn không cần một dòng sản phẩm mới, mà nên phát triển một tính năng mới. Có thể bạn nên đăng bài trên mạng xã hội mỗi ngày, thay vì tham gia những buổi hội thảo vô nghĩa.

Dám nghĩ lớn, nhưng hãy hành động từ những bước cơ bản nhất.

3. Tin vào dữ liệu thay vì trực giác

Doanh nhân thường tin vào "tiếng lòng" và nghe theo trực giác của bản thân, nhưng thật ra đây không phải là cách làm tốt nhất. Chẳng hạn, nguyên tắc "không rẽ trái" nghe có vẻ ngược đời, nhưng lại hiệu quả đến không ngờ.

Giống như UPS, bạn nên tìm kiếm và phân tích những khía cạnh có thể định lượng trong doanh nghiệp của mình. Đâu là tính năng mà khách hàng thích thú nhất? Những bài viết nào thường bị khách hàng bỏ qua? Sản phẩm nào bán chạy nhất vào mùa đông?

Với những thứ hiệu quả, hãy tiếp tục phát huy; với những thứ không đem lại doanh thu, hãy giảm bớt đầu tư. Bạn cần phải nhìn dữ liệu cụ thể mà mình có thay vì nghe theo trực giác của bản thân.

Đừng bao giờ quên tâm niệm một điều: Con đường ngắn nhất không phải lúc nào cũng thẳng.

(Theo Medium)

Tú Khê

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên