MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Răng số 8 - răng khôn mọc... dại: Khi nào cần nhổ, nhổ có nguy hiểm không?

17-03-2018 - 19:44 PM | Sống

Theo các bác sĩ Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, không có chuyện nhổ răng số 8 là bị tâm thần, ảnh hưởng tới thần kinh như dân gian vẫn nghĩ.

Răng số 8 - răng "khôn" nhưng mọc "dại"

Nguyễn Thị Thu Tr. (sinh năm 1982, ở ngõ 80A, An Đà Nội, phường Đông Hải 1, quận Hải An, Hải Phòng) đã tử vong sau khi khám và nhổ răng số 8 và đã tử vong nghi do sốc phản vệ tại Phân viện Quân y 7 (viện 203 cũ, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, Hải Phòng)

Theo các chuyên gia, nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra nếu người bệnh không sàng lọc kỹ nguy cơ tai biến và bác sĩ không có nhiều kinh nghiệm trong xử lý.

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Văn – Phó trưởng khoa phẫu thuật tạo hình hàm mặt Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương cho biết, mỗi ngày Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều người vào nhổ răng số 8 và chưa có ca tai biến nào.

Thạc sĩ Văn nghi ngờ, ca tai biến ở Hải Phòng sau khi vào bệnh viện gây tê để nhổ răng số 8 có thể là ngộ độc thuốc tê hoặc sốc phản vệ thuốc tê dẫn đến tử vong.

20 năm công tác ngành răng hàm mặt, bác sĩ Văn cho biết, răng số 8 mọi người gọi là răng khôn nhưng thực chất nó là răng "dại" vì có những người răng mọc xiên vào răng số 7 hay mọc xiên ngang, mọc chệch và nó là răng hay gây biến chứng nhất.

 Răng số 8 - răng khôn mọc... dại: Khi nào cần nhổ, nhổ có nguy hiểm không? - Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Văn khám cho bệnh nhân sau nhổ răng số 8

Răng số 8 mọc khó bắt buộc phải vào viện

Việc nhổ răng số 8 với các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt rất đơn giản, nhưng phải ở những cơ sở khám chữa bệnh uy tín được cấp phép chứ không phải phòng nha nào cũng có thể nhổ răng số 8.

Bác sĩ Văn kể, có phòng khám không ngại ngùng treo biển "chuyên nhổ răng số 8 mọc khó", bác sĩ thấy tấm biển này cũng "giật mình" bởi khi đã mọc khó bắt buộc phải vào viện.

Răng số 8 nếu gây biến chứng, không nhổ có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh. Đặc biệt, tại khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt có những bệnh nhân bị áp xe do răng số 8, mủ từ ổ áp xe chảy xuống họng gây ngạt thở.

Hoặc có trường hợp mủ từ ổ áp xe chảy xuống trung thất gây áp xe trung thất, nếu không điều trị kịp thời người bệnh có thể tử vong, vì thế nên ai cũng "sợ" răng số 8.

Ngoài ra, quan điểm của người dân cho rằng, nhổ răng số 8 dễ ảnh hưởng tới dây thần kinh, gây bệnh tâm thần là sai lầm. Theo bác sĩ Văn, có thể người bệnh chưa tìm tới được các bác sĩ răng hàm mặt nên bị biến chứng và mới sợ hãi khi nhổ răng số 8.

Những tai biến nào rình rập?

TS Bác sĩ Phạm Thanh Hà – PGĐ Trung tâm Chỉ đạo Tuyến – Trưởng khoa điều trị Nội nha – Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, mỗi ngày bệnh viện đều có vài chục ca bệnh tới nhổ răng số 8. Đây là tiểu phẫu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tai biến.

Khi nhổ răng số 8 phải có các tiêu chí cụ thể như bệnh nhân phải đủ sức khỏe, không viêm nhiễm cấp tính trong cơ thể, tư tưởng thoải mái và đồng ý phẫu thuật. Nếu bệnh nhân bị bị tim mạch hoặc về máu cần phải có trợ lý từ bác sĩ chuyên môn.

Bệnh nhân phải được khai thác tiền sử bệnh như hen, hoặc có người nhà có tiền sử dị ứng… Khi có nguy cơ, bác sĩ sẽ có biện pháp test thuốc gây tê, kháng sinh sau nhổ răng để giảm nguy cơ…

Bệnh nhân cần chụp Xquang, thậm chí CT để định hình vị trí răng khôn, vị trí dây thần kinh để tránh các biến chứng dây thần kinh và có biện pháp nhổ phù hợp. Ngoài ra, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm công thức máu, kiểm tra rối loạn động máu và các dự phòng khác.

Ngoài ra, trong quá trình nhổ răng có thể biến chứng đứt mạch máu, gây chảy máu ồ ạt, nguy hiểm hơn là chảy máu sau nhổ răng, gây phù nề chèn ép đường thở… Hoặc nhiễm trùng sau nhổ răng từ dụng cụ, hoặc chân răng "lạc" vào đâu đó trên vùng xoang mặt… biến chứng này ít nhưng vẫn có thể xảy ra.

Dù nhổ răng số 8 nhưng vẫn bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ mới được nhổ răng. Bác sĩ chỉ chỉ định nhổ khi nó tiềm ẩn các nguy cơ biến chứng còn khi nó mọc bình thường, không ảnh hưởng tới răng số 7 thì không cần nhổ dự phòng, TS Hà nhấn mạnh.

Thạc sĩ Văn cho biết thêm, với các thuốc gây tê đều có nguy cơ ngộ độc thuốc tê nhưng nếu bác sĩ có kinh nghiệm khi gây tê chỉ cần thấy niêm mạc của bệnh nhân thay đổi, có mồ hôi trên trán, vùng mũi thì cần có biện pháp xử lý ngay. Tuyệt đối không nên để đến khi bệnh nhân "choáng" không phục hồi, lúc này sơ cứu sốc phản vệ sẽ khó khăn hơn.

Theo Ngọc Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên