Rau quả chế biến của Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu
Ngành hàng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch khá thành công sang phân khúc chế biến các sản phẩm sấy khô, nước ép đóng hộp...
- 10-11-2021Rau xanh sốt giá, nông dân Tiền Giang lãi to
- 10-11-2021EU thông báo tần suất kiểm tra thực tế với một số mặt hàng rau quả được nhập khẩu vào EU
- 06-11-2021“Sốc” với rau nhập khẩu giá gần 1 triệu đồng/kg
Thông tin từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), dịch Covid-19 được cho là không ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến toàn cầu. Ngược lại, nguồn cung rau quả chế biến tăng khi xuất khẩu sản phẩm tươi hoặc đông lạnh giảm, buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang chế biến. Trong khi đó, giá cả, thời gian sử dụng và sự đổi mới là những động lực chính thúc đẩy sự gia tăng tiêu thụ trái cây và rau quả chế biến.
Việt Nam là nước nhiệt đới với sự ưu đãi về điều kiện đất đai và khí hậu phù hợp cho sản xuất nhiều loại trái cây. Những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển ngành công nghiệp chế biến trái cây, hiện chiếm khoảng 10% tổng sản lượng trái cây cả nước. Để chủ động nguồn cung sản phẩm chế biến, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện dự thảo Đề án “Phát triển ngành chế biến rau củ quả để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới”.
Nhìn chung, ngành rau quả Việt Nam đã khá thành công khi tăng xuất khẩu sang các thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn và yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm. Với kết quả đạt được trong cả năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, ngành hàng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch khá thành công sang phân khúc chế biến các sản phẩm sấy khô, nước ép đóng hộp...
Bên cạnh đó, khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hoá gấp 3 - 4 lần so với giá quả tươi. Việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu sẽ tăng thời gian bảo quản, giúp thoát được tình trạng dư cung. Dự báo trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là chủng loại sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu.
“Việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến sẽ làm tăng giá trị xuất khẩu toàn ngành hàng rau quả, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm rau chất lượng cao mà không thay đổi các đặc tính dinh dưỡng. Sự hiện diện của các kênh bán lẻ và thương mại điện tử ở các nước phát triển và đang phát triển giúp tăng doanh số bán rau quả chế biến. Nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU trong những năm gần đây tăng trưởng ở mức cao”, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại đánh giá.
Xu hướng tiêu thụ tăng bởi các yếu tố, bao gồm cả sự gia tăng sản xuất trong nước, sự tiện lợi của sản phẩm, cải tiến công nghệ để duy trì chất lượng cho trái cây. Tuy nhiên, ngành chế biến rau quả Việt Nam hiện đang ở dạng chế biến thô và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài dưới thương hiệu khác, dẫn đến chuỗi giá trị gia tăng đối với ngành này còn thấp.
Trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến bảo quản trái cây tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước đó, với 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ và khoảng 150 nhà máy chế biến có dây chuyền, công nghệ hiện đại. Nhưng trên thực tế, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng sơ chế 8 - 10% sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm. Đến nay, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao khoảng 20%.
So với yêu cầu phát triển và hội nhập trong điều kiện cạnh tranh mới, ngành chế biến rau quả vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế. Sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm, đóng góp vào giá trị gia tăng của rau quả hàng hoá còn thấp, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ đối với việc thay đổi cơ cấu cây trồng.
VOV