MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Room tín dụng sẽ được phân bổ cho các ngân hàng trong quý I?

28-02-2023 - 13:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Room tín dụng sẽ được phân bổ cho các ngân hàng trong quý I?

Nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng đề nghị NHNN sớm cấp room tín dụng để giúp các nhà băng chủ động trong hoạt động kinh doanh và hỗ trợ nền kinh tế.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mục tiêu này nhỉnh hơn đôi chút so với định hướng ban đầu của năm 2022 (14%). Thậm chí nếu điều kiện thuận lợi thì hạn mức tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng hơn.

Với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế vào cuối năm 2022 ước đạt hơn 11,9 triệu tỷ đồng, lượng tín dụng các ngân hàng có thể cho vay thêm trong năm 2023 sẽ rơi vào khoảng 1,67 – 1,79 triệu tỷ đồng.

Cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011. Hàng năm, NHNN thường dựa trên định hướng tăng trưởng để xem xét cấp hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng vào quý I, rồi sẽ thực hiện điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành.

Trong năm 2022, NHNN cũng đã cấp room tín dụng ban đầu cho các ngân hàng vào quý I và có 3 đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong những tháng cuối năm.

Gần đây, nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng đề nghị NHNN sớm cấp room tín dụng để giúp các nhà băng chủ động trong hoạt động kinh doanh và hỗ trợ nền kinh tế.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực đề xuất NHNN cân nhắc sớm cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay trong tháng này để tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện sớm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Để thị trường bất động sản không đổ vỡ, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Nguyễn Văn Đính cũng đề nghị NHNN nên nhanh chóng mở room tín dụng, bơm vốn cho nền kinh tế. Trong đó có hoạt động phát triển và kinh doanh bất động sản để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường. Tuy nhiên, cần kiểm soát tốt dòng tiền bơm vào thị trường, phải hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp, đưa mức giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm để các tổ chức tín dụng có kế hoạch xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua Đại hội cổ đông vào tháng 4 hàng năm.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng cho rằng, việc NHNN sớm công bố room tín dụng và ban hành văn bản sửa đổi Thông tư 22 là tiền đề quan trọng để các ngân hàng cân đối vốn, từ đó chủ động về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề xuất NHNN xem xét cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Việc gỡ room tín dụng cho khối Big 4 sẽ không ảnh hưởng đến công tác điều hành của NHNN do các ngân hàng thương mại nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ.

Ngân hàng nào sẽ được cấp room tín dụng cao nhất?

Dù chưa công bố chính thức room tín dụng của các ngân hàng trong năm 2023, song tại Chỉ thị 01, NHNN cho biết sẽ thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng TCTD, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường,...

Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đánh giá về việc phân bổ room tín dụng trong năm 2023, Chứng khoán VnDirect cho rằng, NHNN sẽ ưu tiên cấp room tín dụng cao hơn cho các ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.

Cụ thể, 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gồm VPBank, MBBank, HDBank và Vietcombank, sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, qua đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, phân bổ hạn mức tín dụng theo mục tiêu sẽ tạo lợi thế cho một số ngân hàng trong khi hạn chế cơ hội tăng trưởng của các ngân hàng khác. Nhóm phân tích cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau, đối với những ngân hàng có một trong những yếu tố sau: (1) Hỗ trợ ngân hàng 0 đồng, (2) Hỗ trợ chi phí tài trợ kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay, (3) Có bảng cân đối ít phơi nhiễm với các lĩnh vực rủi ro; 4) chất lượng thanh khoản của các NHTM sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng ngành. Theo đó, Vietcombank, MB, VPBank, HDBank có thể sẽ là những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng cao so với bình quân ngành.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên