MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rót 55.000 tỷ đồng 'lên đời' cao tốc, 5 tuyến này ngay lập tức được gọi tên

Giữa lúc ‘làn sóng’ mở rộng đường đang diễn ra rầm rộ, chỉ có 5 tuyến cao tốc được ưu tiên duyệt chi 55.000 tỷ đồng.

Đề xuất chi 55.000 tỷ đồng mở rộng 5 tuyến cao tốc

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề xuất Chính phủ cho đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc phân kỳ lên quy mô hoàn chỉnh. Trong đó, Bộ GTVT kiến nghị mở rộng cấp bách 5 đoạn với số vốn hơn 55.000 tỷ đồng.

Cụ thể, đoạn từ La Sơn đến Hòa Liên với chiều dài 66 km sẽ được mở rộng từ 2 lên 4 làn xe với kinh phí 3.011 tỷ đồng, đã được ngân sách trung ương phê duyệt từ năm 2022. Công trình này dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2025.

Đoạn từ Cam Lộ đến La Sơn dài 98 km, cũng hiện đang có 2 làn xe và cần tới 7.000 tỷ đồng để mở rộng thành 4 làn. Vốn dự án được đề xuất từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2023.

Rót 55.000 tỷ đồng 'lên đời' cao tốc, 5 tuyến này ngay lập tức được gọi tên- Ảnh 1.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Báo NLĐ

Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15 km, hiện có 4 làn xe nhưng rất hạn chế, sẽ được nâng cấp lên 6 làn với tổng chi phí là 1.995 tỷ đồng. Trong đó, 1.200 tỷ đã được bố trí từ năm 2022, còn lại sẽ được cấp phát trong giai đoạn 2026 - 2030. Dự án này dự kiến khởi công năm 2024 và hoàn thành vào năm 2026.

Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận hiện tại có 4 làn xe cũng sẽ được mở rộng thành 6 làn, đồng thời kết hợp mở rộng đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương lên 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến là 35.362 tỷ đồng, với 22.224 tỷ đồng cho đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và 13.138 tỷ đồng cho đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, sẽ do nhà đầu tư huy động.

Cuối cùng, đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26 km sẽ được mở rộng lên 6 làn xe với tổng kinh phí là 7.950 tỷ đồng. Tỉnh Hòa Bình đã cân đối được hơn 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước, phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động.

Tổng cộng, vốn đầu tư dự kiến cho việc nâng cấp 5 dự án này là 55.318 tỷ đồng, trong đó có 15.034 tỷ đồng từ vốn nhà nước và 40.284 tỷ đồng sẽ được nhà đầu tư huy động.

Sự cấp thiết phải mở rộng các tuyến cao tốc 2 làn xe

Gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên các tuyến đường cao tốc mới đi vào hoạt động như Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Nghi Sơn - Diễn Châu và La Sơn - Hòa Liên, đặc biệt là tại tuyến Cam Lộ - La Sơn, phản ánh những thiếu sót từ ý thức người lái đến cơ sở hạ tầng.

Trong tình hình ngân sách eo hẹp và nguồn lực xã hội đầu tư không dồi dào, việc đầu tư các dự án cao tốc phân kỳ là một chiến lược phù hợp. . Năm 2023 cả nước đã đưa vào khai thác 9 dự án với 475 km cao tốc, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc hiện đang khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.

Các tuyến cao tốc mới này đã giúp giảm thời gian di chuyển và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường cao tốc vẫn chỉ dừng lại ở quy mô 2 làn xe mà không có làn dừng khẩn cấp, điểm dừng xe, hay dải phân cách cứng, v.v...

Nhiều tài xế phản ánh rằng các đường cao tốc chỉ có 2 làn xe và thiếu dải phân cách cứng, khiến cho các điểm vượt nguy hiểm do kết thúc đột ngột, gây ra rủi ro khi quay lại làn đường thông thường.

Rót 55.000 tỷ đồng 'lên đời' cao tốc, 5 tuyến này ngay lập tức được gọi tên- Ảnh 2.

Tai nạn trên cao tốc 2 làn xe. Ảnh: TPO

Do đó, dựa trên các đề xuất tổng hợp từ các địa phương và nhà đầu tư, Bộ GTVT đã đề xuất kế hoạch nâng cấp khoảng 700 km đường cao tốc từ 2 làn xe lên 4 làn xe toàn diện. Theo Bộ GTVT, nếu có thể cân đối đủ vốn đầu tư, việc nâng cấp ngay lập tức các tuyến cao tốc sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác và năng lực vận tải.

Tuy nhiên, do khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn nhà nước, việc phân bổ ngay 500.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho việc đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc hiện nay là không khả thi. 

Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất những tiêu chí ưu tiên đầu tư bao gồm các đoạn tuyến ở trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các đường cao tốc hiện đang khai thác hoặc đang đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe với nhu cầu vận tải tăng nhanh và một số đoạn tuyến cần nâng cấp để khai thác đồng bộ với các đoạn liền kề đã được mở rộng.

Theo Thái Hà

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên