Rút gọn thủ tục hồ sơ phát hành trái phiếu để tránh ách tắc thị trường
"Tắc" tiền kiểm, lỏng lẻo hậu kiểm khiến kênh phát hành trái phiếu ra công chúng chưa thông. Ảnh: TTXVN
“Việc ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) về phát hành trái phiếu riêng lẻ là rất tốt. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở các quy định mà không thúc nhanh việc xử lý thủ tục bên phát hành ra công chúng sẽ gây ách tắc toàn bộ thị trường”, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhận định.
- 23-09-2022Trái phiếu doanh nghiệp chờ ngày bung lò xo
- 22-09-2022Bát nháo thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Trái phiếu… đắng
- 21-09-2022Không còn được phát hành trái phiếu đảo nợ cho công ty con: Doanh nghiệp BĐS sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất?
Cấp bách khơi thông, xử lý thủ tục nhanh
Nghị định 65 vừa được Chính phủ ban hành sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn chất lượng hơn qua kênh phát hành trái phiếu; đồng thời góp phần tích cực để thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Việc khơi thông kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ra công chúng trở nên cấp bách sau khi Nghị định 65 được ban hành. Một số chuyên gia dự báo, nếu không làm tốt quy trình xử lý nhanh, thị trường sẽ bị tê liệt nửa năm, thậm chí là một năm.
TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ, ông từng phỏng vấn một số tập đoàn lớn phát hành TPDN riêng lẻ hiện nay và đều nhận được lời than thở: “Dù doanh nghiệp uy tín tầm quốc tế nhưng phải phát hành riêng lẻ ở Việt Nam, quốc tế với lãi suất rất cao do chưa đủ đẳng cấp phát hành ra công chúng ở Việt Nam. Nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ phát hành ra công chúng ở Việt Nam, nguy cơ sẽ mất toàn bộ cơ hội kinh doanh", ông Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Một cán bộ của Vụ Quản lý chào bán chứng khoán của Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước cũng chia sẻ: Nhanh nhất là nửa năm, chậm nhất một năm, UBCK mới xử lý xong một bộ hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng do khối lượng công việc quá nhiều.
Do vậy, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia mong muốn, khu vực phát hành TPDN riêng lẻ sẽ ngày càng thu hẹp lại, chuyển sang khu vực phát hành công chúng. Đó là nơi doanh nghiệp có thể huy động vốn dễ dàng hơn và được giám sát chặt chẽ hơn; xếp hạng tín nhiệm được phát huy hiệu lực. Khi phát huy được vai trò xếp hạng tín nhiệm, mới có tiền đề để xây dựng thị trường thứ cấp. Nếu trái phiếu chỉ phát triển phía phát hành mà chưa phát triển thị trường thứ cấp - không phải là công cụ vốn dài hạn tốt. "Các yêu cầu đối với nhà đầu tư cá nhân trong khu vực phát hành TPDN riêng lẻ càng chặt chẽ càng tốt. Thậm chí, chúng ta phải nêu cao tinh thần tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư", TS Lê Xuân Nghĩa.
Để giải quyết vấn đề ách tắc trong phê duyệt hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Ratings, khuyến nghị Việt Nam học hỏi một số mô hình trong khu vực. Ví dụ ở Malaysia, nếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm AAA (mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất trong thang điểm của FiinRating tại Việt Nam) thì được phát hành ra công chúng và duyệt hồ sơ sau.
"Đương nhiên, trách nhiệm của cơ quan xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng. Chúng tôi cũng phải nhận trách nhiệm. AAA tức là hồ sơ phải chuẩn chỉnh, doanh nghiệp ngon, rủi ro thấp…Lúc đó nhà phát hành có thể được miễn nhiều thủ tục trong hoàn thiện hồ sơ, rà soát hồ sơ. Sau đó, đương nhiên cơ quan Nhà nước vẫn hậu kiểm", ông Nguyễn Quang Thuân cho biết.
Tháo gỡ khó khăn khâu thẩm định
Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến hết tháng 8/2022, giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ vẫn áp đảo 96% trong khi phát hành ra công chúng vẫn duy trì trạng thái "èo uột".
Thừa nhận khâu thẩm định trái phiếu phát hành ra công chúng gây "ách tắc" kênh này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Lãnh đạo Bộ Tài chính đang chỉ đạo rà soát sửa đổi Luật Chứng khoán. Theo đó, sẽ quy định rõ “trắng, đen” trách nhiệm thẩm định của cơ quan quản lý Nhà nước và ghi rõ trong điều luật. Nhờ đó, cán bộ thẩm định, cơ quan thẩm định sẽ bớt quan ngại sẽ bị kiểm điểm hay đổ lỗi sau này.
Hiện, các cán bộ thẩm định đưa ra quyết định chủ yếu trên báo cáo tài chính, các số liệu do doanh nghiệp cung cấp. Thế nhưng, hoạt động sản xuất kinh doanh muôn hình vạn trạng. Có thể doanh nghiệp hiện hoạt động rất tốt nhưng có khi khoảng 5 - 6 tháng sau, điều kiện thị trường trở nên xấu đi, làm sao cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thẩm định lường trước được?
Giới phân tích cũng bày tỏ sự băn khoăn về trách nhiệm giám sát của cơ quan Nhà nước trong việc thanh tra, xử lý vi phạm trên thị trường. Để quản lý một khối lượng tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng, cần phải có một bộ máy thanh tra quy mô lớn lên tới hàng nghìn người và được bố trí khắp 63 tỉnh thành cả nước. Trong khi đó, thị trường vốn có quy mô tương đương 134,57% GDP, riêng quy mô trái phiếu doanh nghiệp là 16,4% GDP. Liệu lực lượng cán bộ thanh kiểm tra có đủ dày, để sớm phát hiện và xử nghiêm vi phạm?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương, cho biết: Quy mô của thị trường vốn ngày càng tăng, tương đương với quy mô của tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, bộ máy quản lý kênh tín dụng ngân hàng có nguồn lực về cán bộ rất lớn, đặc biệt thông qua cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng. Do đó, "ngoài UBCK, Bộ Tài chính và các cơ quan khác sẽ phải tăng cường thay đổi các phương thức quản lý giám sát dựa vào các công nghệ và cách thức quản lý giám sát phù hợp hơn; đồng thời, việc tăng nguồn lực cho cơ quan quản lý Nhà nước và cụ thể UBCK rất cần thiết”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Sắp tới, khi rà soát sửa đổi Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính sẽ làm rõ tính chất của công tác giám sát, từ đó, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền, bố trí nguồn lực phù hợp hơn. Riêng về thị trường TPDN, Bộ trưởng Bộ Tài chính có 2 chỉ thị gần đây và rất nhiều các văn bản chỉ đạo các cơ quan có liên quan thuộc trong việc tăng cường quản lý giám sát, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, chấn chỉnh kỷ cương thị trường.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra các tổ chức cung cấp dịch vụ, bao gồm tổ chức tư vấn, công ty kiểm toán, công ty định giá, để đảm bảo các tổ chức này phải nâng cao tính tuân thủ quy định của pháp luật; phối hợp rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng - cơ quan chủ quản trong lĩnh vực bất động sản để có những giải pháp giám sát liên thông, phối hợp, để xử lý và chấn chỉnh sớm những vi phạm nếu có.
Báo tin tức