MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sa thải hàng nghìn nhân viên trong 'một nốt nhạc', CEO các Big Tech 'xin lỗi' thế nào?

13-11-2022 - 06:25 AM | Thị trường

Làn sóng sa thải nhân viên tại các Big Tech đang diễn ra rầm rộ để ứng phó với điều kiện kinh tế hiện nay. Tuy nhiên cách “xin lỗi” của các CEO khi sa thải lượng lớn nhân viên mới là điều gây ra nhiều tranh cãi.

Sa thải hàng nghìn nhân viên trong một nốt nhạc, CEO các Big Tech xin lỗi thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong thời gian vừa qua, thông tin tỷ phú Elon Musk đột ngột sa thải một nửa lực lượng lao động của Twitter thông qua email đã tràn ngập các trang thông tin. Đáng nói, làn sóng cắt giảm nhân sự đang diễn ra rầm rộ tại các công ty công nghệ tuy nhiên cách các vị Giám đốc điều hành khác đang thực hiện lại hoàn toàn khác – họ tự trách bản thân vì đã nhìn nhận sai về thị trường và xin lỗi vì để mọi người ra đi.

Có thể thấy sa thải nhân viên không hề là điều dễ dàng với các công ty bởi chúng thể hiện bản lĩnh điều hành của các tổ chức khi hạn chế cảm xúc tiêu cực lan rộng cũng như trình độ quản lý nhân lực.

Khi sa thải 11.000 nhân viên trong tuần này, Giám đốc điều hành Meta Platform, Mark Zuckerberg đã áp dụng phương pháp “quản lý dựa trên sự đồng cảm”. Vị lãnh đạo này đã nhận trách nhiệm về bản thân, nhấn mạnh những quyết định sai lầm của mình và hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng.

Sa thải hàng nghìn nhân viên trong một nốt nhạc, CEO các Big Tech xin lỗi thế nào? - Ảnh 2.

Phần mở đầu trong bức thư gửi nhân viên của CEO Meta.

Trong một tuyên bố được gửi đến cho nhân viên công ty và đăng tải trên website, Giám đốc điều hành Meta cho biết: “Tôi muốn chịu trách nhiệm về những quyết định này và điều đã đẩy chúng ta đến cảnh này. Tôi biết điều này là khó khăn cho tất cả mọi người và tôi đặc biệt xin lỗi những người bị ảnh hưởng”.

Không riêng Mark Zuckerberg, Sam Bankman-Fried, người vừa từ chức Giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền điện tử FTX phá sản vài ngày trước đây đã xin lỗi về sự quản lý yếu kém và cuộc khủng hoảng thanh khoản của sàn giao dịch qua Twitter.

“Tôi xin lỗi vì đã không thể làm tốt hơn. Tôi sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể để bảo vệ tài sản và khoản đầu tư của khách hàng”, Bankman-Fried viết trong một bức thư gửi các nhà đầu tư. “Tôi ước mình có thể cho các bạn thêm thông tin chi tiết ngay bây giờ”.

Vào tháng 7, Giám đốc điều hành của nền tảng thương mại điện tử Shopify, Tobi Lutke đã xin lỗi trong một bức thư gửi đến nhân viên của mình. Trong bức thư, ông thừa nhận mình đã sai lầm khi nhận định tình trạng mua sắm trực tuyến trong thời kì đại dịch sẽ tiếp tục bùng nổ. Lí giải về việc cắt giảm 1.000 nhân sự tại nhà cung cấp phần mềm bán lẻ, Lütke cho hay quyết định sa thải là cần thiết khi thời gian gần đây, người tiêu dùng bắt đầu quay trở lại phương thức mua hàng truyền thống, đặt hàng online qua các sàn thương mại điện tử giảm dần.

Một tháng sau đó, Niraj Shah, Giám đốc điều hành và người đồng sáng lập của Wayfair – nhà bán lẻ trực tuyến đồ nội thất lớn nhất tại Mỹ cũng thừa nhận ông đã sai khi nhìn nhận về xu hướng người tiêu dùng. Doanh thu của Wayfair đã tăng trong năm đầu tiên sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, nhưng sau đó đã giảm trong 5 quý liên tiếp. Shah đã viết trong một lá thư gửi nhân viên vào tháng 8 sau khi cắt giảm 900 việc làm: “Sự tăng trưởng đã không trở thành hiện thực như chúng tôi đã dự đoán. Đội ngũ nhân viên của chúng ta quá lớn so với môi trường hiện tại và rất tiếc khi chúng tôi cần phải thực hiện điều chỉnh.”

Và không thể không nhắc đến Braden Wallake, CEO của Columbus, Công ty tư vấn có trụ sở tại Ohio, Mỹ. Vào tháng 8 vừa qua, Walake đã viết một bài đăng trên Linkedin đầy tội lỗi về việc phải sa thải 2 trong số 17 nhân viên của mình và kết thúc bằng một bức ảnh selfie đẫm nước mắt. Sau khi bài đăng được lan truyền trên mạng, anh đã tự nhận mình là “CEO đang khóc”.

Những động thái nêu trên hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của vị CEO Twitter. Thậm chí cách làm của Elon Musk đã khiến nhiều người liên tưởng đến vị CEO Jack Welch của General Electric – người nổi tiếng với việc sa thải nhân viên thường xuyên và “tàn nhẫn”. Tuy nhiên, Welch hoạt động trong một môi trường rất khác so với ngày nay. Sự khác biệt lớn nhất của Welch là việc cắt giảm được thực hiện khi thị trường lao động yếu, đồng nghĩa với việc ông không phải suy nghĩ nhiều về việc tuyển dụng sau này.

Ông Siminoff, người quản lý tại Morgan, cho biết: “Tôi nghĩ rằng các nhóm điều hành và các vị CEO hiểu rằng việc sa thải nếu được thực hiện theo cách tàn nhẫn sẽ tạo ra nhiều phản ứng tích cực không thể che giấu trong tổ chức.” Còn theo Peter Cappelli, Giám đốc Trung tâm Nguồn nhân lực tại Wharton cho biết tình hình ngày nay hoàn toàn khác, tỉ lệ cứ mỗi người thất nghiệp thì có khoảng 1,9 việc làm.

Nói cách khác, tất cả có thể không phải là thời đại mới của việc khai sáng những hình thức quản lý. Một số CEO có thể nhận thấy rõ rằng họ sẽ cần thuê lại một số người mà họ đã sa thải và cần định hình tuyển dụng lại khi sự phục hồi đến.

Theo Bloomberg

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên