Sale bảo hiểm nhân thọ: Làm gì để vượt qua "tụt mood"?
Ảnh minh họa
Như nhiều ngành nghề khác, người làm nghề tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ cũng trải qua những giai đoạn thăng trầm, lúc được và lúc không. Tuy nhiên, không như nhiều ngành kinh doanh khác, sale BHNT rất dễ rơi vào trạng thái mất động lực phấn đấu và dễ dàng buông xuôi khi bị tác động từ nhiều phía.
- 05-01-2021Bảo hiểm nhân thọ khó lấy lại đà tăng trưởng vì lãi suất thấp
- 31-12-2020Nhân viên ngân hàng đi bán bảo hiểm: Chẳng phải ở riêng ta, tây cũng thế
Và đó là trạng thái mà dân trong ngành BHNT gọi là "tụt mood". Đã làm sale BHNT, ít nhất trong đời bạn sẽ trải qua một vài lần "tụt mood".
Vì sao sale BHNT thường dễ bị "tụt mood"?
Người trong ngành vẫn bảo nhau, đã là dân sale BHNT thì ít nhất một lần bạn sẽ trải qua giai đoạn gọi là "tụt mood", dù bạn là "ngôi sao" hay tư vấn viên bình thường. Là người công tác nhiều năm trong lĩnh vực BHNT, người viết đúc kết những nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự "tụt mood" của các tư vấn viên BHNT như sau:
Thứ nhất, những người thành công quá sớm khi mới bước vào ngành BHNT mà không bằng nội lực và khả năng của mình thường là những tư vấn viên dễ bị tụt mood nhất. Nhiều tư vấn viên mới vào ngành, họ thường thành công và tỏa sáng chóng vánh bằng các mối quan hệ người thân, bạn bè,... Hoặc đơn giản họ bán bảo hiểm nhờ "quyền uy và thế lực" mà họ hoặc của gia đình họ đang có chứ không phải bằng việc tư vấn và trao một giải pháp thiết thực cho khách hàng. Và rồi, cái gì đến sẽ đến, sau khi vắt gần như kiệt quệ các mối quan hệ để tỏa sáng như "ngôi sao xẹt" rồi nhanh chóng lụi tàn. Và một khi đã mắc kẹt "bệnh ngôi sao" của những ngày đầu đó, tư vấn viên không thể tự chốt được 1 hợp đồng nào với khách hàng lạ. Và họ rơi vào trạng thái "tụt mood" nghiêm trọng, ca thán và bế tắc,...
Thứ hai, tư vấn viên nếu không vượt qua được rào cản tâm lý và áp lực từ dư luận cũng dễ dàng bị "tụt mood". Nghề tư vấn viên BHNT cũng là một trong những nghề nghiệp có giá trị và ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên vì đâu đó vẫn còn quá nhiều người làm nghề tư vấn viên BHNT theo kiểu chộp giật nên xã hội vẫn còn không ít người nhìn dân sale BHNT bằng ánh mắt thị phi. Tạm gác lại những hình ảnh chưa đẹp của những người làm nghề tư vấn viên BHNT kiểu "mì ăn liền", thiếu kiến thức và đạo đức nghề nghiệp; ngay chính cả những người trong ngành vời nhau cũng dễ làm nhau "tụt mood". Cụ thể, khi bạn có doanh số tốt, sếp của bạn và nhân viên văn phòng đưa bạn lên chín tầng mây. Ngược lại, khi bạn không có sale, bế tắc; mọi người sẽ nhìn bạn với ánh mắt khác hẳn.
Do các công ty BHNT chưa có một bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực đối với các tư vấn viên, mà nếu có thì bộ quy tắc đó cũng chưa được áp dụng quyết liệt như các nhà băng hay tập đoàn lớn khác. Vì vậy, đâu đó văn hóa ứng xử của một bộ phận tư vấn viên còn kém. Ngoài việc tám chuyện, hễ thấy tư vấn viên nam và nữ đi công tác chung với nhau là bị ghép đôi, mà họ không biết rằng, khi kết hợp 1 tư vấn viên nam và 1 tư vấn viên nữ đi tư vấn sẽ thuận tiện và hiệu quả hơn nhiều. Và nếu các tư vấn viên không có đủ bản lĩnh nghề nghiệp để vượt qua áp lực tâm lý, sự gièm pha từ dư luận, người thân và chính những người đồng nghiệp của mình thì dễ dàng bị "tụt mood" và gục ngã.
Thứ ba, nhiều tư vấn viên đặt cho mình kế hoạch quá cao hoặc mang nhiều ảo tưởng. Và một khi năng lực không theo kịp với ước mơ thì đương nhiên sẽ bị "tụt mood". Có những tư vấn viên còn "non", không có kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng lại tham vọng đặt mục tiêu làm MDRT, COT hay TOT (những danh hiệu danh giá nhất toàn cầu trong ngành BHNT). Có một sự thật trong ngành BHNT, đó là bệnh thành tích và bệnh ngôi sao. Nhiều người thích khoe mẽ, hám danh lợi và hư vinh. Và vì vậy họ cứ cuốn theo vòng danh vọng một cách hoang tưởng. Tư vấn viên BHNT thường trầm trồ, ngước nhìn thành công của các siêu sao đi trước rồi thầm ước ao cho chính mình. Thật ra, để thành công với nghề tư vấn viên BHNT, bạn phải hội đủ nhiều yếu tố như: kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, sự siêng năng, lòng yêu nghề, các mối quan hệ xã hội và một chút gì đó gọi là may mắn nữa. Trên thế giới, chỉ có khoảng 1% tư vấn viên BHNT được gọi là thành công và tỏa sáng với nghề. Vì vậy, ảo tưởng càng nhiều, mục tiêu càng xa tầm với, bạn càng dễ dàng "tụt mood".
Thứ tư, khi bị các các leader, trưởng nhóm, trưởng ban kích sale cũng dễ làm tư vấn viên "tụt mood". Bạn biết đó, nhiều lãnh đạo tại các văn phòng công ty BHNT vì để có doanh số, thường kích tư vấn viên chạy hợp đồng để được các chương trình thi đua, khen thưởng ngắn hạn, các chuyến du lịch. Ví dụ, nếu bạn là siêu sao, là nữ hoàng, là nam vương của văn phòng nhưng tháng đó bạn doanh số thấp hoặc chưa có hợp đồng, thay vì động viên, khích lệ; các leader lại dùng chiêu trò khích bác theo kiểu sính hư danh làm bạn mất động lực và mất lửa.
Sau cùng, đa phần tư vấn viên bị "tụt mood" đều do bản thân không vượt qua được chính mình. Đó là họ không vượt qua được mơ ước xa tầm với, không vượt qua được bệnh thành tích, không vượt qua được cám dỗ và áp lực bởi sự gièm pha và lời kích sale của những người xung quanh. Và những tư vấn viên thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, không có con đường, định hướng cho riêng mình thường là những tư vấn viên dễ bỏ cuộc và dễ bị "tụt mood" nhất.
Làm gì để vượt qua "tụt mood"?
Các bạn tư vấn viên phải xác định rằng việc bán BHNT có lúc tốt và lúc chưa tốt là chuyện "thường ngày ở huyện". Vì vậy, đừng quá nặng nề hay quá tâm tư khi có những phút thăng trầm trong nghề nghiệp. Từ tâm thế thư thái đó, bạn sẽ ít khi rơi vào viễn cảnh "tụt mood". Và nếu chẳng may, bạn bị "tụt mood" thì điều đó cũng hết sức bình thường. Vấn đề là bạn phải biết cách vượt qua "tụt mood" một cách tinh tế nhất.
Trước tiên, bạn phải tìm hiểu nguyên nhân và xác định được lý do bạn bị "tụt mood" là từ đâu. Vì đây là điều hết sức quan trọng, một khi bắt đúng bệnh thì bạn mới có thể kê đúng toa thuốc. Và không ai khác, chỉ có bạn mới hiểu vì sao bạn bị tuột mốt? Và từ nguyên nhân mà bạn đã xác định được, bạn hãy mạnh dạn quyết liệt vượt qua tuột mốt để trở lại với chính mình với bản lĩnh và khát vọng.
Nếu bạn bị "tụt mood" sau những ngày đầu thành công chóng vánh, bạn đừng quá thất vọng khi không thể chốt được hợp đồng sau đó. Bạn nên hiểu rằng, hầu hết tư vấn viên nhiều thế hệ vẫn trải qua như vậy. Nghĩa là những ngày đầu mới bước vào nghề, bạn còn nhiều mối quan hệ và khách hàng tiềm năng nên bạn bán tốt. Và câu chuyện sau đó chính là câu chuyện của bản lĩnh nghề nghiệp. Bạn phải chấp nhận với thực tế sale của bạn sẽ không như những ngày đầu mới bước vào nghề. Tuy nhiên, giai đoạn sau đó cũng là lúc cần kiếm tìm nguồn khách hàng mới, khách hàng lạ với con đường và cách làm khác biệt của riêng bạn mà không phải sao chép của bất kỳ ai.
Nếu bạn bị "tụt mood" vì rào cản tâm lý, sự gièm pha từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, cũng phải chấp nhận với thực tế rằng xã hội và dư luận vẫn còn hoài nghi và không thiện cảm với những người làm BHNT không chân chính. Nhưng hãy ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh vì bạn là tư viên viên chuyên nghiệp và chân chính. Cứ siêng năng, cần mẫn ngày đêm đi làm, đến tận hang cùng ngõ hẻm, và đừng lăn tăn với bất kỳ lời nói tiêu cực nào của dư luận cho dù đó là những người thân tín nhất của bạn. Lúc khó khăn nhất chính là lúc bạn cần dành 200% sức lực cho công việc. Lúc này, phải thật kiên trì và quyết tâm bạn sẽ làm được. Vì ranh giới giữa đỉnh vinh quang và vực thẳm chỉ cách nhau ở bức tường khát vọng mà bạn có dám vượt qua hay không.
Nếu bạn bị "tụt mood" vì năng lực không theo kịp với kế hoạch ảo mà bạn hay leader bạn áp đặt cho bạn thì hãy bình tĩnh, thật bình tĩnh tìm câu trả lời phù hợp nhất cho mình. Vì không ai khác có thể hiểu bạn hơn chính bạn. Ví dụ, khả năng của bạn chỉ có thể bán tầm 30 – 50 triệu APE mỗi tháng thì đừng ảo tưởng đặt mục tiêu thành nữ hoàng, nam vương hay TOT của một công ty BHNT nào đó, mà nên đặt một mục tiêu trong tầm với như đạt MDRT thôi chẳng hạn. Không có mục tiêu, bạn sẽ không có động lực để phấn đấu. Nhưng nếu mục tiêu xa tầm với, bạn sẽ gục ngã ngay từ lúc đặt mục tiêu.
Nếu bị áp lực, bị "tụt mood" vì sếp (leader, trưởng nhóm, trưởng ban) khích bác bạn để có sale cho các chương trình thi đua hoặc cho tương xứng với danh hảo của bạn; hãy bình tâm trở lại với chính mình. Và bạn không nên vì một lý do nào đó hay vì sĩ diện mà tìm mọi cách để có hợp đồng (thậm chí có nhiều tư vấn viên tự mua hợp đồng để lấy danh hiệu và sau đó một vài năm lại hủy). Làm tư vấn viên bảo hiểm, trước tiên phải để đôi chân trên mặt đất, lấy tính hiệu quả và thu nhập chân chính làm thước đo của sự thành công. Mọi danh hiệu đều là phù hoa và sẽ tan biến theo thời gian, vì vậy đừng dùng tiền để mua danh hiệu. Và khi vượt qua được cám dỗ hư vinh, xem thường danh hiệu thì bạn sẽ nhẹ nhàng tìm con đường làm tư vấn viên bảo hiểm chân chính và lâu dài. Dám vượt qua lợi ích vật chất tầm thường, dám vượt qua cái gọi là bệnh sĩ mới là người tư vấn viên bản lĩnh.
Sau cùng, trở lại câu chuyện làm gì để vượt qua "tụt mood" cho mỗi tư vấn viên BHNT. Là một người trải nghiệm và tâm huyết với nghề, tác giả mong muốn những người làm nghề BHNT chân chính sống chậm một chút để suy ngẫm và lắng nghe tiếng nói của chính mình. Nghề tư vấn viên BHNT là một nghề nhân văn, đầy ý nghĩa; nhưng cũng là một nghề đầy mê hoặc và ma thuật. Bởi lẽ, nếu bạn không bình tĩnh, không đủ kiến thức và trình độ, ý chí và khát vọng để vượt qua cám dỗ thì sớm hay muộn cũng sẽ bị cuốn theo vòng xoáy hư vinh và danh vọng. Nhiều anh chị tư vấn viên chân chính đã thành công rực rỡ với nghề, nâng tầm giá trị bản thân. Nhưng cũng không ít tư vấn viên để lại tiếng xấu và nợ nần khi chạy theo thành tích và danh hảo.