Samsung nín thở chờ phán quyết của tòa với Phó chủ tịch Lee: Danh tiếng tập đoàn và ngôi vị 'thái tử' đang lung lay giữa lúc khó khăn trùng trùng
Phó chủ tịch Lee Jae-yong đang đối diện án tù chỉ sau 2 năm được ân xá, liên quan đến cáo buộc sai phạm tài chính.
- 04-06-2020Cúi đầu xin lỗi công khai, thề không truyền ngôi cho con: Những điều chưa từng làm của thái từ Lee nhằm nỗ lực kiến tạo 'Samsung mới'
- 07-05-2020Sau nhiều năm im lặng, ‘thái tử’ Samsung vừa cúi đầu xin lỗi vì 'hành vi vi phạm pháp luật', tiết lộ sẽ không bao giờ để con cái thừa kế ngai vàng
- 07-04-2020Bất chấp Covid-19, đây là mảng giúp Samsung bất ngờ đạt lợi nhuận vượt dự báo
Lee Jae-yong, được truyền thông quốc tế biết đến với tên Jay Y. Lee, hiện 51 tuổi và giữ chức phó chủ tịch tập đoàn Samsung. Trên thực tế, ông cũng là người nắm quyền cao nhất sau khi bố lên cơn đau tim vào năm 2014.
Vào lúc 10h30 sáng nay (8/6), Lee Jae-yong đã đến trình diện tòa án ở Seoul với cáo buộc gian lận và thao túng thị trường. Lee đeo khẩu trang và mặc vest sẫm màu, bỏ qua các câu hỏi của báo giới trước khi tiến thẳng vào cánh cửa tòa án. Dự kiến sau khi tham gia phiên xử, Lee sẽ tiếp tục bị tạm giữ để chờ tòa đưa ra phán quyết vào chiều nay hoặc sáng mai.
Phó chủ tịch Lee giữa vòng vây truyền thông tại phiên tòa sáng nay, 8/6 (Ảnh: Reuters)
Trước đó, hôm 4/6, công tố viên đã cáo buộc Lee Jae-yong liên quan đến các giao dịch bất hợp pháp và thao túng cổ phiếu để tiến hành sáp nhập 2 công ty con Samsung C&T và Cheil Industries năm 2015. Ngoài ra, ông được cho là góp phần thổi phồng giá trị của Samsung Biologics Co Ltd - nơi có Cheil Industries là cổ đông lớn.
Theo Reuters, trước khi chủ tịch Lee Kun-hee lâm bệnh, quyền lực của người con trai duy nhất Lee Jae-yong vốn không đủ mạnh để bước lên ngôi "thái tử", do chỉ có cổ phần nhỏ trong các công ty con của Samsung. Theo đó, quyền kiểm soát tập đoàn có thể rơi vào tay các cổ động khác.
Giữa lúc đó, vụ sáp nhập năm 2015 đã trở thành nấc thang vững chắc giúp Lee bước lên đỉnh cao quyền lực, nắm quyền chi phối nhiều hơn. Tuy vậy, hành động này luôn bị chỉ trích là "bóp nghẹt" lợi ích của các cổ đông nhỏ.
Samsung cho rằng cuộc điều tra Lee Jae-yong làm tổn hại đến công tác quản lý của tập đoàn giữa lúc khó khăn.
Hôm 5/6, tập đoàn Samsung đã phủ nhận việc Lee Jae-yong thao túng cổ phiếu, khẳng định chuyện Lee chi phối quyền quyết định sáp nhập công ty là "hoàn toàn không hợp lý". Trong một bản thông báo dài hơn vào cuối tuần qua, Samsung cho rằng những cáo buộc đối với phó chủ tịch sẽ gây sức ép đến việc điều hành, trong bối cảnh tập đoàn đang trải qua thời gian "khủng hoảng" do đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Chang Sea-jin - giáo sư ngành kinh doanh tại Viện Khoa học và Công nghệ cao Hàn Quốc - nêu ý kiến: "Danh tiếng của Lee Jae-yong và Samsung sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu phó chủ tịch lại phải ngồi tù. Ngoài ra, mọi người sẽ càng thêm hoài nghi về chức CEO cũng như quyền thừa kế của Lee trong tập đoàn".
Lee Jae-yong từng nhận án tù năm 2017, sau đó được ân xá nhưng vụ việc tiếp tục phải điều tra trong thời gian gần đây.
Vào năm 2017, thái tử Lee đã bị kết án 5 năm tù vì tội hối lộ cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, mục đích nhằm có được sự hậu thuẫn của chính phủ bà Park trong việc sáp nhập 2 công ty con. Nhưng thụ án được 1 năm thì Lee đã được ân xá vào tháng 2/2018.
Ở Hàn Quốc, quyền lực kinh tế hầu như tập trung vào tay trùm tài phiệt và những tập đoàn "dây mơ rễ má" của họ, làm dấy lên hàng loạt tranh cãi không ngớt về thế hệ thừa kế. Trong đó, Samsung hiện là đế chế hùng mạnh nhất, chỉ riêng công ty Samsung Electronics Co - viên ngọc sáng giá nhất trên chiếc vương miện tập đoàn - đã có doanh thu tương đương với 12% GDP cả Hàn Quốc.
(Theo Reuters)
Tổ quốc