MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sân bay Long Thành: Tổng mức đầu tư dự kiến 4,779 tỷ USD, thấp hơn so với Nghị quyết 94 được Quốc hội thông qua

Trình bày báo cáo khả thi dự án Sân bay Long Thành trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết tổng mức đầu tư dự kiến 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD, thấp hơn so với con số 4.782 tỷ USD mà Quốc hội thông qua trong Nghị quyết số 94.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trong chiều 24/10. Báo cáo làm rõ một số nội dung điều chỉnh, bổ sung so với chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua.

Về hình thức đầu tư và huy động vốn, các công trình được phân chia thành 4 nhóm hạng mục chính.

Hạng mục 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước: Giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.

Hạng mục 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay: Giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 3 - Các công trình thiết yếu của Cảng hàng không: Giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 4 - Các công trình dịch vụ phụ trợ: Giao cho ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư hoặc xã hội hóa đầu tư.

Báo cáo cũng đưa ra cơ sở pháp lý của các phương án huy động vốn đã nêu. Theo đó, với Hạng mục 2, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, là doanh nghiệp duy nhất được cung cấp dịch vụ công ích quản lý, điều hành hoạt động bay tại Việt Nam. Do đó, việc giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư các hạng mục quản lý, điều hành hoạt động bay của Dự án là phù hợp.

Đối với các Hạng mục 1, 3 và 4: Đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Do đó, việc giao ACV đầu tư, khai thác Cảng cần phải được Quốc hội thông qua.

Trường hợp, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ mất thêm thời gian khoảng 1,5-2 năm, trong khi ngoài ACV, khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia đối với một Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ, quan trọng quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành).

Tổng mức đầu tư dự kiến của công trình là 111.689 tỷ đồng, tương đương: 4,779 tỷ USD. Như vậy, tổng mức đầu tư Dự án thấp hơn tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94 là 4,782 tỷ USD (không bao gồm chi phí GPMB).

"Đây là Dự án có tổng mức đầu tư lớn, quy mô phức tạp. Do đó, sau khi Tư vấn thẩm tra có báo cáo kết quả thẩm tra cuối cùng, Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư Dự án", báo cáo nêu rõ.

Báo cáo cũng kiến nghị mở rộng diện tích cho công trình trong giai đoạn 1 lên 1.810 ha từ 1.165 ha như dự kiến. Phần diện tích này sẽ được dùng làm Kho giao nhận hàng hóa; Nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh; Hệ thống công trình dẫn đường hàng không; Bố trí các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước…. Việc đề xuất điều chỉnh nêu trên không làm thay đổi tổng diện tích đất 5.000 ha dùng cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua.

Trong 1.050 ha dành cho diện tích Quốc phòng ở Sân bay Long Thành, Chính phủ thống nhất cụ thể vị trí đất quốc phòng trong đó bố trí 570 ha đất dùng riêng, thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; Bố trí 480 ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không (đường cất hạ cánh số 4 đường lăn) dùng chung cho nhiệm vụ quốc phòng và dân dụng. Tuy nhiên, phần diện tích này được ưu tiên phục vụ cho các hoạt động quân sự (huấn luyện, tác chiến...), phục vụ hoạt động dân dụng khi nhu cầu khai thác tăng nhằm nâng cao sử dụng hiệu quả hạ tầng trong sân bay.

Báo cáo khả thi cũng đề nghị bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối. Tuyến số 01 (dài 3,8 km): Kết nối trục chính Cảng (đầu phía Tây) với Quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe. Giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh, gồm 10 làn xe chạy chính và 06 làn đô thị song hành. Tuyến số 02 (dài 3,5 km): Kết nối tuyến số 01 với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang 04 làn xe, chạy theo 02 nhánh song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

"Do hay tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác, trong đó tuyến 01 đóng vai trò cho việc thi công dự án nên cần bố trí vốn kịp thời. Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến này vào Dự án và giao ACV trực tiếp đầu tư", báo cáo nêu rõ.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên