MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Săn" cổ phiếu: Cổ phiếu của những thương hiệu kem lớn nhất Việt Nam đổ bộ lên sàn chứng khoán

Có vẻ như mùa hè nóng nhất 40 năm trở lại đây đang trở thành thời điểm thuận lợi cho những thương hiệu kem lớn nhất Việt Nam lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu kem nào cũng hấp dẫn.

Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho CTCP Thủy Tạ đăng ký giao dịch toàn bộ 3 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán TTJ. Đây là doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Kem Thủy Tạ nổi tiếng ở hồ Gươm mà người dân Hà Nội không ai là không biết.

Trước đó, vào ngày 31/03/2017, CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (mã chứng khoán KDF) - công ty con phụ trách mảng thực phẩm đông lạnh của Tập đoàn Kido (KDC) đã tiến hành bán ra ngoài 11,2 triệu cổ phần tương đương 20% vốn điều lệ. Thực phẩm Đông lạnh KIDO sở hữu các thương hiệu kem Merino, Celano và chiếm thị phần lớn nhất hiện nay. Theo thông tin công bố, KDF dự kiến sẽ lên sàn trong quý 2/2017.

Riêng bò sữa Vinamilk (VNM) với nhãn hiệu kem Vinamilk đã có mặt trên sàn chứng khoán hơn chục năm nay.

Có vẻ như mùa hè nóng nhất 40 năm trở lại đây đang trở thành thời điểm thuận lợi cho những thương hiệu kem lớn nhất Việt Nam lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu kem nào cũng hấp dẫn.

KDF – dẫn đầu thị phần

Trong đợt bán nói trên, cổ phiếu KDF được bán với giá 52.000 đồng/cp. Mức giá này được nhiều ý kiến đánh giá là khá cao khi doanh thu năm 2016 của KDF đạt 1.397 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 143 tỷ đồng và EPS đạt 3.469 đồng (tương ứng P/E 2016 là gần 15 lần).

Tuy nhiên phải thấy rằng KDF đang là doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần kem tại Việt Nam. Triển vọng tăng trưởng của ngành này được dự báo tốt và đặc biệt, triển vọng các ngành khác của KDF như thực phẩm đông lạnh mới thực sự lớn.

Báo cáo phân tích mới đây của CTCK Bản Việt dẫn số liệu từ EMI cho biết thị trường kem Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 7%/năm. Mức tăng trưởng này đến từ mức độ tiêu thụ kem thấp ở Việt Nam, thu nhập khả dụng gia tăng, gia tăng tỷ lệ đô thị hóa và sự phát triển của mô hình bán lẻ hiện đại.

KDF sở hữu 2 trong top 3 thương hiệu kem hàng đầu tại Việt Nam là Merino và Celano. Trên thị trường, KDF nắm giữ 35% thị phần mảng kem với hệ thống phân phối lạnh lớn nhất Việt Nam. Mạng lưới phân phối của KDF có hơn 70.000 điểm bán (POS), trong đó 50.000 POS (tủ lạnh) được KDF sở hữu. Các điểm phân phối này được hỗ trợ bởi 5 kho lạnh và các xe tải lạnh của công ty.

Miền Bắc chiếm phần lớn doanh số của công ty và nhà máy vừa xây dựng tại Bắc Ninh sẽ củng cố sự diện diện của KDF tại đây, đồng thời giúp giảm chi phí vận chuyển.

Theo VCSC, người dân tại miền Bắc tiêu thụ nhiều kem hơn do diễn biến thời tiết khắc nghiệt hơn tại khu vực này. Không giống như miền Nam, nơi thời tiết nóng quanh năm, miền Bắc có thể rất lạnh trong mùa đông (dưới 10 độ C) và rất nóng vào mua hè (khoảng 40 độ C hoặc cao hơn). Điều này khiến việc sử dụng kem trong mùa hè tại miền Bắc sẽ mang lại cảm giác sảng khoái hơn so với miền Nam.

Thủy Tạ - Kem đang tan

Thủy Tạ là một trong những thương hiệu có truyền thống lâu đời được thành lập năm 1945 tại Hà Nội. Do điều kiện kinh tế không quá tích cực ở Việt Nam vào thời điểm đó, Thủy Tạ tập trung vào mảng kem giá rẻ với sản phẩm kem đá và các hương vị truyền thống.

Theo đánh giá của VCSC, việc tái cơ cấu nội bộ và chia bớt sự tập trung dẫn đến thị phần của Thủy Tạ sụt giảm. Trong vài năm qua, người ta chưa thấy được sự thay đổi đáng kể của Thủy Tạ về bao bì sản phẩm, hương vị cũng như chiến lược makerting. Thị phần của Thủy Tạ giảm từ 10,9% trong năm 2012 còn 9,7% năm 2016.

Doanh thu và lợi nhuận của hãng kem lâu đời này chủ yếu đến từ kinh doanh nhà hàng.

Vinamilk – Kem chưa khiến “bò sữa” quan tâm

Doanh thu từ kem chiếm chưa đến 6% doanh thu của Vinamilk và dường như doanh nghiệp này chưa đẩy mạnh kinh doanh mảng kem, dù 2 năm nay đã cho ra đời thêm nhiều dòng kem mới, nổi bật là dòng kem cao cấp mang nhãn hiệu Twin Cows.

Hiện tại, danh mục sản phẩm kem của VNM bao gồm 50 loại SKU (so với khoản 20 của Wall's và 200 của KDF) với 4 thương hiệu: Kem hũ Vinamilk (để sử dụng tại nhà), Delight, Nhóc Kem (kem đá), và Twin Cows. Vinamilk và Nhóc Kem cạnh tranh trong phân khúc giá rẻ với các hương vị cơ bản trong khi Twin Cows, được triển khai năm 2015, là thử thách đầu tiên của VNM thâm nhập vào phân khúc cao cấp.

Hệ thống phân phối của doanh nghiệp cũng chủ yếu được thiết kế cho các sản phẩm sữa thay vì kem.

VNM vẫn đang chiếm lĩnh 10% thị phần trong mảng kem nhờ lợi thế thương hiệu. VCSC đánh giá, thực tế rằng, khi Vinamilk chú trọng đẩy mạnh mảng kem, các công ty trong ngành hiện tại sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên