Săn hàng OTC chuẩn bị lên sàn, cẩn thận cơn sốt ảo
Một số cổ phiếu trên OTC đang có vẻ rất sốt hàng và giá hỏi mua tăng mạnh mỗi ngày. Nhưng thực tế, nhu cầu mua không thật mà chỉ là hành động tạo lập giá.
- 22-12-2016OTC sốt sình sịch
- 06-12-2016Loại bỏ sàn UPCoM và OTC, có khả thi?
- 25-11-2016Cổ phiếu dậy sóng trên thị trường OTC
- 24-11-2016Sốt hàng OTC
- 15-04-2016OTC dậy sóng
Đầu năm 2016, Thông tư 180 yêu cầu các công ty đại chúng phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 1 năm đã khơi lửa cho thị trường OTC và khiến cho thị trường hiu hắt nhiều năm nay trở nên sôi động hơn rất nhiều. Đến những tháng cuối năm, Thông tư 115 có hiệu lực và tạo nên một cú đột phá cho thị trường chứng khoán khi quy định cổ phần đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán sẽ tự động được đưa vào giao dịch trên hệ thống UPCoM trong vòng 15 ngày.
Với động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc đưa các doanh nghiệp đã cổ phần hóa lên sàn chứng khoán, thị trường đã chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp có quy mô rất lớn lũ lượt lên UPCoM. “Gia thế” hoành tráng cùng tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi thấp đã giúp cho phần lớn các cổ phiếu này có một quá trình tăng giá vô cùng tích cực.
Cơn sốt săn hàng trên OTC càng lúc càng nóng
Một môi giới OTC cho biết, trên OTC lúc này, cổ phiếu của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối và cổ phiếu của các ngân hàng lành mạnh đang là những món hàng được săn đón nhiều nhất khi tiến trình lên sàn đang được thực hiện rất gấp rút.
Giá cổ phiếu VJA của Vietjet Air đã tăng rất mạnh, đặc biệt sau khi hãng hàng không này công bố những thông tin cụ thể hơn về tình hình tài chính, kế hoạch phát hành và giá chào bán dự kiến. Theo báo giá của một môi giới OTC, ngày 21/12, VJA có giá lên đến 101.000 đồng/cp nhưng sang ngày 22/12, giá đã giảm xuống khoảng 97.000 đồng.
Một số CTCK cho biết hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (mã HVN) sẽ lên UPCoM trong vòng 1-2 tuần tới với giá tham chiếu khoảng 28.000 đồng/cp. Trên OTC, cổ phiếu đang được săn đón ở mức giá 45.000 đồng/cp. Cổ phiếu HVN hiện đã phải chuyển nhượng qua tài khoản lưu ký chứ không thể chuyển nhượng như hàng trên OTC bình thường.
Về phía Petrolimex (PLX), từ đầu năm nay, các nhà đầu tư đã bắt đầu gom hàng và hiện giờ cổ phiếu đang ở mức giá 32-34.000 đồng/cp. Cách đây nửa năm cổ phiếu này giao dịch ở mức 16.000 – 17.000 đồng/cp. Doanh nghiệp vừa cho biết sẽ hoàn thành việc niêm yết trong quý 1/2017. Gần đây, việc cổ đông nội bộ bán ra đã khiến giá cổ phiếu giảm một chút.
Cổ phiếu Thaco của CTCP Trường Hải được chào mua ở mức giá 150.000 – 153.000 đồng/cp trong khi cách đây 3 tháng cổ phiếu Thaco được giao dịch ở mức giá 93.0000 – 95.000 đồng/cp.
Môi giới OTC cho biết, khách hàng quan tâm và hỏi mua nhiều nhất là các cổ phiếu ngân hàng. Tăng giá nhanh nhất trong thời gian qua là cổ phiếu của Techcombank, VIB và VPBank. Các ngân hàng này đã lưu ký trong tháng 12 và chuẩn bị niêm yết trong quý 1/2017.
Cập nhật gần nhất, giá cổ phiếu VPBank giao dịch ở mức giá 9.500 – 10.000 đồng/cp, cổ phiếu VIB giá 16.000 đồng/cp, còn TCB giao dịch ở mức giá 18.200 đồng/cp. Cùng thời điểm này năm trước, giá cổ phiếu TCB chỉ ở mức 8.900 đồng/cp.
Cẩn thận cơn sốt ảo
“Deal gần nhất của Vietjet Air mà chúng tôi làm là giá 96.000 đồng/cp nhưng mấy hôm nay có vẻ nhu cầu mua không thật mà chỉ là tạo lập giá.” – Một môi giới OTC kỳ cựu cho biết. Điều này cũng xảy ra tại nhiều cổ phiếu đang chuẩn bị lên sàn khác.
Đối với Novaland, cổ phiếu vừa chính thức công bố sẽ lên sàn vào 28/12 với giá tham chiếu 50.000 đồng/cp, trên thị trường OTC đang chào mua giá 59.000 đồng/cp. Tuy nhiên môi giới cho biết chưa môi giới thành công một lô nào của cổ phiếu này.
Việc săn hàng OTC trước thềm niêm yết xuất phát từ kỳ vọng “lên sàn tăng trần” của nhà đầu tư đối với các cổ phiếu lạ, giống như Sabeco và Habeco trước đây. Kỳ vọng cổ phiếu tăng giá sau khi lên sàn được dựa trên việc tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi của doanh nghiệp rất thấp. Một nhà đầu tư lớn, khi hỏi mua một cổ phiếu OTC lúc này, câu đầu tiên là “có bao nhiêu cổ phiếu trôi nổi?”
Trong một số trường hợp, người ta đánh giá rằng “giá trị doanh nghiệp không có gì, nhưng một đội lái lớn nắm giữ lượng cổ phiếu lớn và sẽ tạo lập thị trường cho cổ phiếu”.
Hay đối với một số cổ phiếu ngân hàng, những người săn hàng cũng cho rằng cổ phiếu đã được chuyển nhượng nội bộ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực trước đó với giá 27.000 đồng/cp thì khi lên sàn, đội ngũ nắm quyền lực này không thể để cổ phiếu ở mức giá 10.000 – 20.000 đồng được.
Với lượng cổ phiếu trôi nổi rất thấp, việc tạo lập thị trường cho cổ phiếu (hay được gọi là lái cổ phiếu) được thực hiện không quá khó khăn, và theo đó, nhiều trường hợp sốt cổ phiếu chỉ là sốt ảo. Rủi ro khi lên sàn, giá cổ phiếu không tăng như mong muốn mà bị “xả” rất có thể xảy ra.