MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp có trang trại 1.500 tỷ đồng cung cấp lợn giống "chuẩn quốc tế" cho miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ

Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk là mở đầu cho một chuỗi dự án mà sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Ngày 27/9, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã khởi công dự án Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Dự án có quy mô vốn đầu tư cả giai đoạn 2019-2025 là 66 triệu USD, tương đương hơn 1.500 tỷ đồng.

Tổng diện tích dự án khoảng 200ha, bao gồm khu trang trại chăn nuôi lợn giống nhập khẩu từ Hà Lan khoảng 80ha; khu chăn nuôi gà giống khoảng 30ha; nhà máy giết mổ lợn thịt và nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ 15ha; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ khoảng 20ha; khu trồng trọt, đất cây xanh 30ha; đất giao thông và hạ tầng kĩ thuật khoảng 25ha…

Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, dự án khi đi có thể cung cấp ra thị trường khoảng 24.000 con lợn bố mẹ và lợn hậu bị chất lượng cao cho thị trường chăn nuôi Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung mỗi năm.

Quy trình chăn nuôi tại trang trại sẽ áp dụng công nghệ 4.0, tự động hoá và áp dụng theo 349 tiêu chuẩn của GlobalGAP. Các giống heo cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP) được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan để tạo ra các giống heo ông bà (GP) và bố mẹ (PS) bảo đảm nguồn gen tốt, cho năng suất sinh sản cao. Dự kiến cuối năm 2021, tổ hợp chăn nuôi này sẽ chính thức cung cấp giống lợn sạch, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế ra thị trường Việt Nam, Chủ tịch này cho biết.

Mục tiêu của dự án này là đưa Đăk Lăk trở thành tỉnh phát triển về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp giống lợn và gà an toàn dịch bệnh cho các tỉnh Tây Nguyên, miền Nam và là vùng thí điểm an toàn dịch bệnh đầu tiên ở Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.

Chủ đầu tư cũng cam kết sẽ tạo cơ hội việc làm cho 250 - 300 người dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk, đào tạo cho tỉnh nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi theo công nghệ hiện đại.

Lần đầu tại Việt Nam, toàn bộ Quy trình chăn nuôi tại Dự án được ứng dụng 100% Công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống trang trại của dự án sẽ được vận hành và giám sát theo Công nghệ 4.0 bởi SKIOLD.

Đặc biệt dự án cũng được công ty đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ hoạt động sản xuất góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường phù hợp với xu hướng thế giới.

Trong định hướng 5-10 năm tới, hai tập đoàn này sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống lợn cụ, kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại khắp 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Sau khi hoàn thành dự án tại Đắk Lắk, Gia Lai, hai bên có dự kiến tiếp tục triển khai tại Đắk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng, nâng tổng công suất chăn nuôi lợn lên 10.000 - 15.000 con lợn giống cụ kỵ, và từ 100.000 - 120.000 con lợn ông bà.

Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.

H.S

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên