Sắp có xáo trộn mạnh trên bảng xếp hạng vốn điều lệ ngân hàng
Kể từ năm 2010, có thể nói chưa bao giờ làn sóng tăng vốn của các ngân hàng nóng như hiện nay: tăng mạnh và đồng loạt. Theo quan sát, có khoảng 20 ngân hàng muốn tăng vốn điều lệ trong năm nay.
- 11-04-2021Đằng sau cuộc đua tăng vốn ngân hàng
- 09-04-2021Lại nóng cuộc đua tăng vốn ngân hàng
- 11-02-2021Top 10 vốn điều lệ ngân hàng đã xáo trộn như thế nào trong năm qua?
Một số ngân hàng sau thời gian dài tới 5-7 năm không được chia cổ tức do phải tập trung tái cơ cấu hay xử lý nợ xấu cũng cho biết đang đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Sacombank cho biết nguồn lợi nhuận giữ lại của ngân hàng đang ở mức cao hơn 6.000 tỷ đồng và dự kiến sử dụng nguồn tiền này để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông; và hiện đang chờ sự phê duyệt của NHNN để triển khai thực hiện.
Kể từ khi sáp nhập với Southern Bank năm 2015 đến nay, cổ đông của Sacombank chưa được chia cổ tức lần nào do ngân hàng phải tập trung nguồn lực để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Vốn điều lệ của Sacombank cũng dậm chân tại mức 18.852 tỷ trong 5 năm qua. Từ ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 5 hệ thống năm 2015, hiện Sacombank chỉ đứng thứ 9.
Còn tại Eximbank, sau khi tất toán xong trái phiếu VAMC, ngân hàng đề xuất NHNN chấp thuận cho Eximbank được chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021. Sau khi được NHNN chấp thuận, HĐQT sẽ trình cổ đông phương án phân phối cụ thể. Như vậy, sau 10 năm vốn điều lệ giữ nguyên mức hơn 12.300 tỷ đồng, lần đầu tiên Eximbank lên kế hoạch tăng vốn từ chia cổ tức.
Trong khi việc tăng vốn của 2 ngân hàng trên còn phải chờ sự chấp thuận của NHNN thì nhiều ngân hàng khác có khả năng tăng vốn dễ dàng hơn, đặc biệt trong bối cảnh cổ đông hài lòng vì giá cổ phiếu thăng hoa.
MB hiện là ngân hàng có kế hoạch tăng vốn mạnh nhất trong năm nay, tăng thêm hơn 10.600 tỷ lên 38.675 tỷ đồng, tức tăng tới 38%.
Tiếp theo là BIDV mới kế hoạch tăng vốn thêm hơn 8.000 tỷ lên 48.524 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ tăng vốn từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán riêng lẻ/chào bán ra công chúng.
Hàng loạt ngân hàng lớn khác cũng muốn tăng mạnh vốn điều lệ trong năm 2021: ACB tăng hơn 5.400 tỷ lên hơn 27.000 tỷ; SHB tăng hơn 3.700 tỷ lên hơn 21.300 tỷ; HDBank tăng hơn 4.000 tỷ lên hơn 20.100 tỷ; SCB muốn tăng 5.000 tỷ lên hơn 20.000 tỷ,….Hầu hết những ngân hàng này chọn tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, chỉ riêng SCB muốn chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Nhóm ngân hàng tầm trung như OCB, VIB, MSB, SeABank cũng đua nhau tăng vốn trong năm nay: OCB muốn tăng hơn 3.400 tỷ lên hơn 14.400 tỷ; VIB tăng hơn 4.900 tỷ lên gần 16.000 tỷ; MSB tăng hơn 3.500 tỷ lên 15.200 tỷ; SeABank tăng hơn 3.100 tỷ lên 15.200 tỷ.
Hay một số ngân hàng nhỏ như Kienlongbank, BacABank cũng đặt mục tiêu tăng vốn thêm hơn 400 tỷ để đưa vốn điều lệ lên lần lượt là 3.600 tỷ và 7.500 tỷ.
Cho đến thời điểm này, Techcombank, VPBank, TPBank cho biết chưa có kế hoạch tăng vốn năm 2021. Các ngân hàng còn lại như VietinBank, Vietcombank, LienVietPostBank thì sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, nhưng hiện tại chưa công bố kế hoạch cụ thể mức tăng bao nhiêu.
Nếu các kế hoạch tăng vốn trên thành công, MB sẽ chắc chắn vượt Techcombank và thậm chí vượt cả VietinBank và Vietcombank nếu 2 "ông lớn" này chưa tăng vốn kịp trong năm 2021.
ACB cũng sẽ vượt VPBank; hàng loạt ngân hàng tầm trung như SeABank, MSB, VIB và OCB sẽ vượt Eximbank;…