SARS-CoV-2 có yếu đi khi thời tiết ấm lên hay không?
Trước đó, nhiều ý kiến khẳng định rằng virus SARS-CoV-2 chỉ lây lan khi thời tiết lạnh và chết trong nhiệt độ cao. Tuy nhiên, hiện tại, các quốc gia đang trong mùa hè như Australia, Brazil hay Singapore - nóng ẩm quanh năm, cũng ghi nhận hàng chục ca nhiễm bệnh.
- 13-03-2020Phát hiện gia đình 4 người bí mật sống trong khu chợ nghi là nơi khởi nguồn Covid-19 ở Vũ Hán suốt 43 ngày và điều kỳ diệu là không ai nhiễm bệnh
- 13-03-2020Cập nhật Covid-19 ngày 13/3: Số ca ở Italy tăng kỷ lục, vượt 15.000 người, Thủ tướng Anh thừa nhận con số nhiễm bệnh thực tế cao hơn nhiều so với được công bố
- 12-03-2020Tại sao nhiều chính trị gia bị nhiễm virus SARS-CoV-2?
Khi Covid-19 bắt đầu lây lan trên toàn thế giới kể từ đầu năm đến nay, có rất nhiều người hoài nghi về những biện pháp kiềm chế cho rằng dịch bệnh này chỉ như một dạng cúm thông thường, nó chỉ nguy hiểm đối với những người nhạy cảm, không cần thiết phải đưa ra những biện pháp cách ly hay phong toả.
Giờ đây, chúng ta đều nhận thấy rằng quan điểm trên là sai lầm. Dựa theo dữ liệu ở thời điểm hiện tại, ước tính tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân Covid-19 là khoảng 1-2%, trong khi bệnh cúm mùa đông chỉ là 0,1%. Virus corona có triệu chứng lây nhiễm như cúm, nhưng đặc biệt nguy hiểm vì không có phương pháp điều trị cụ thể, chưa có vắc-xin.
Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng rằng loại virus này sẽ kém đi như bệnh cúm khi thời tiết ấm hơn. Nelson Michael – nhà nghiên cứu y học quân sự hàng đầu của Mỹ, nhận định: "Đây là một loại virus gây viêm đường hô hấp cấp và thường hoành hành khi thời tiết lạnh. Đó là khi chúng ta ít đi ra ngoài, cửa sổ đều bị đóng kín, do đó thường được coi là mùa cúm."
Bệnh cúm tiến triển mạnh trong điều kiện thời tiết lạnh và khô, đó là lý do tại mùa đông là mùa cúm đối với các nước ở bán cầu Bắc. Sự khác biệt về thời tiết mùa đông ở các nơi cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng. Michael cho rằng SARS-CoV-2 có thể hoạt động như virus cúm, và yếu đi khi thời tiết ấm hơn. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng loại virus này sẽ lại hoành hành khi trời trở lạnh.
Dẫu vậy, nếu loại virus này không hoạt động như cúm mùa đông thì sẽ ra sao? Liệu chúng ta có chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao trong suốt cả năm hay không? Hiện tại, đã có hơn 100 ca nhiễm ở Singapore – quốc gia có khí hậu nóng và oi bức quanh năm. Australia, Brazil và Argentina đều đang là mùa hè đều ghi nhận hàng chục trường hợp dương tính.
Đã có bằng chứng cho thấy cách thức hoạt động của virus corona đặc biệt mạnh ở một số vùng khí hậu nhất định. Một trong số những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới là Vũ Hán (Trung Quốc), giờ đây là Italy, Iran và Hàn Quốc, đều có nhiệt độ và độ ẩm tương đương nhau. Các nhà nghiên cứ tại Đại học Maryland (UM) cũng sử dụng thông tin này để dự đoán những nơi khác trên thế giới có khả năng bùng phát dịch.
Brittany Kmush – chuyên gia y tế công cộng tại Đại học Syracuse, nhận định rằng "việc nhiễm cúm và các chủng virus corona có xu hướng diễn ra theo mùa, với số lượng trường hợp tăng mạnh vào những tháng mùa đông ở bán cầu bắc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa rõ liệu SARS-CoV-2 có xu hướng tương tự hay không."
David Cennimo – nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Rutgers New Jersey, cho biết nhiều chuyên gia "hy vọng rằng mùa hè sẽ giúp số lượng người nhiễm bệnh giảm bớt". Dẫu vậy, ông nói thêm rằng "số liệu từ các quốc gia ở vùng khí hậu nhiệt đới có thể phần nào mang đến hy vọng."
Tuy nhiên, Cennimo và Kmush đều cảnh báo rằng không nên đưa ra kết luận phụ thuộc nhiều vào yếu tố địa lý và chỉ ra nhiều yếu tố chưa thể lý giải về loại virus này, cùng với đó là tình trạng lây lan ở quy mô lớn trong những tháng gần đây.
Kmush nói: "Câu hỏi là, liệu những trường hợp nhiễm bệnh ở các khu vực khí hậu nhiệt đới có liên quan đến việc đi du lịch, có mối liên hệ với một trường hợp đã xác định hay các trường hợp không rõ nguồn lây bệnh hay không. Nếu sự lây lan diễn ra tuỳ theo mùa, thì chúng tôi dự đoán rằng các trường hợp có liên hệ với những ca chưa rõ nguồn gốc sẽ giảm khi thời tiết ấm hơn. Tôi cho rằng hiện vẫn quá sớm để xác định xu hướng lây lan theo mùa của Covid-19."
Debra Chew – giáo sư dự khuyến tại trường Y khoa Rutgers, đồng tình rằng việc thiếu thông tin chính xác và cách SARS-CoV-2 hoạt động có thể khiến quan điểm dự đoán về sự lây lan theo mùa phần lớn không chính xác ở thời điểm này.
Ngay cả khi các trường hợp dương tính với Covid-19 tăng vọt lên mức đáng báo động ở nhiều quốc gia, thì thế giới cũng đón nhận được một số tin tốt. Sự bùng phát ở Trung Quốc và Hàn Quốc – từng là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, dường như đang giảm nhiệt, số ca lây nhiễm mới đang giảm dần. Đó là nhờ sự can thiệp của các cơ quan y tế, cùng yêu cầu phong toả, hạn chế đi lại và khuyến khích người dân làm việc tại nhà, cũng như tuyên truyền về các biện pháp vệ sinh cá nhân nghiêm ngặt.
Hiện tại, câu hỏi này vẫn còn phải nghiên cứu thêm, khi các khu vực bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch bệnh bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế, hay khi số lượng ca vẫn tiếp tục tăng, hoặc ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn. Khi các khu vực khác trên thế giới chỉ tăng cường các biện pháp đối phó, thì nhiều người hy vọng rằng tình hình sẽ bớt tồi tệ hơn trong điều kiện thời tiết ấm. Dẫu vậy, ngau cả khi trường hợp đó xảy ra, thì cũng không có nghĩa là SARS-CoV-2 đã hoàn toàn được giải mã.
Kmush cho hay: "Vẫn còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết về chủng virus này. Nếu số lượng ca nhiễm bệnh giảm vào mùa hè, thì đó là một thông tin tốt để chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn khi mùa lạnh đến."
Tham khảo CNN