MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 2 năm, Samsung kết nạp thêm 7 nhà cung ứng cấp một, 13 nhà cung ứng cấp hai vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Sau 2 năm, Samsung kết nạp thêm 7 nhà cung ứng cấp một, 13 nhà cung ứng cấp hai vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Thông tin này được nêu trong Báo cáo Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm 2016-2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công thương của Bộ Công thương.

Sáng nay, tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành công thương, Bộ Công Thương cho biết, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp cả năm tăng 3,36% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của toàn ngành công nghiệp tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019. Bước sang năm 2020, ngành công nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, IIP cả năm 2020 tăng 3,4% so với năm 2019.

Tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng liên tục từ 27,1% năm 2016 lên 28,5% vào năm 2019. Năm 2020 tỷ trọng thấp hơn năm 2019 (đạt 27,54%) do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nếu tính cả xây dựng thì tỷ trọng trong GDP tăng từ 32,7% năm 2016 lên 34,5% năm 2019 và ước đạt 33,7% năm 2020.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp. Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, các ngành công nghiệp chủ lực (như điện tử, dệt may, da giày...) tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội (bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm), nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam.

Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.

Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. 

Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. Đến nay cũng có thêm 3 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Toyota.

Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 1,6 lần từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 543,9 tỷ USD năm 2020.

Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD. Mức thặng dư năm 2020 cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD).

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Về thị trường thương mại điện tử, vào năm 2020 đã có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Dự kiến năm 2020, mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18% (năm 2019 là 25%), đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Thái Quỳnh

Kinh doanh và phát triển

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên