Sau 7 năm phê duyệt, TP HCM kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ
UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn, gửi Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ.
- 15-03-2021Đề xuất đầu tư hàng loạt tuyến đường sắt tốc độ cao mới: Lo thiếu khả thi, lãng phí
- 09-03-2021Bộ GTVT 'chạy nước rút’ bàn giao tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông
- 03-11-2020ĐBQH kiến nghị để nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư tuyến đường sắt đô thị theo mô hình thành phố Tokyo
Theo đó, UBND TP kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải rà soát, điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ để cập nhật vào quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050.
UBND TP cho biết trước đó Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam đã có tờ trình điều chỉnh hướng tuyến đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ và đầu tư xây dựng ga đô thị Tân Kiên sau nhiều năm nghiên cứu.
Cụ thể, phạm vi kiến nghị điều chỉnh quy hoạch thuộc các tỉnh, TP: TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.Tuyến đường sắt này sẽ có điểm đầu tại ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP HCM) và điểm cuối tại ga Cái Răng (TP Cần Thơ).
Tổng chiều dài tuyến đường sắt này được đề xuất điều chỉnh là 134,94km (không tính đoạn tuyến từ ga lập tàu An Bình đến ga Tân Kiên), đi qua TP HCM (6,95km), Long An (27,7km), Tiền Giang (61,57km), Vĩnh Long (33,6km), Cần Thơ (5,5km).
9 ga đường sắt dọc tuyến được đề xuất thành các ga đô thị với tổng diện tích 3.840 ha. Trong đó ga Tân Kiên thuộc huyện Bình Chánh, TP HCM được đề xuất bổ sung chức năng khu đô thị phát triển theo hướng TOD với tổng diện tích 352 ha.
Theo UBND TP, quy hoạch chi tiết đường sắt TP HCM - Cần Thơ đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào năm 2013. Từ thời điểm phê duyệt đến nay đã hơn 7 năm. Do đó, việc đề xuất rà soát, xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển xã hội trong giai đoạn hiện nay của TP HCM và các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết.
Việc đề xuất đầu tư xây dựng các ga đường sắt thành các ga đô thị để phát triển đô thị dọc tuyến đường sắt theo mô hình TOD là phù hợp nhằm phát huy hiệu quả đầy tư các tuyến đường sắt, thu hút hành khách sử dụng phương tiện vận chuyển khối lượng lớn, phát triển đô thị theo xu hướng tích hợp, đầu tư khai thác hạ tầng đô thị hiệu quả.
Trên cơ sở đó, UBND TP kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam xem xét các nội dung đề xuất điều chỉnh nêu trên trong quá trình nghiên cứu quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050.
Đồng thời lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cập nhật kết quả nghiên cứu sau khi cấp thẩm quyền phê duyệt vào đồ án quy hoạch chung TP HCM đang thực hiện nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Người lao động