MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau chuỗi ngày u ám, cổ phiếu Vinasun bật tăng hơn 20% khi EU tuyên bố Uber là taxi

25-12-2017 - 10:50 AM | Doanh nghiệp

Vinasun bất ngờ có phiên tăng trần thứ 2 sau một chuỗi ngày giảm giá liên tục từ đầu năm sau khi Tòa án cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) xem Uber vào doanh nghiệp taxi.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/12, cổ phiếu VNS tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp lên 14.850 đồng, ghi nhận mức tăng 23% so với mức đáy 12.050 đồng thiết lập vào ngày 14/12, cũng là mức giá thấp nhất của hãng taxi này trong hơn 5 năm qua.

Cổ phiếu Vinasun đã giảm liên tục từ tháng 9/2016 tới nay do sức ép cạnh tranh từ những đối thủ mới như Uber hay Grab khiến cho lợi nhuận của công ty ngày càng teo tóp.

Tuy vậy, trong khi hoạt động kinh doanh chưa thực sự chuyển biến thì Vinasun cũng như các taxi truyền thống bất ngờ đón nhận được một thông tin "tích cực" khi việc tòa án cao cấp nhất của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quyết định cuối cùng về hoạt động của Uber sau 3 năm xem xét.

Hôm thứ 4 ngày 20/12, Tòa án cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra phán quyết có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Uber rằng hãng này nên được phân loại như một Công ty dịch vụ vận tải và được quản lý giống như các hãng taxi khác. Phán quyết này được nhận định có tác động lớn trong cuộc chiến pháp lý mà Uber luôn khẳng định rằng họ chỉ là một ứng dụng kỹ thuật số đơn giản hoạt động trong vai trò trung gian giữa các tài xế và hành khách đang có nhu cầu di chuyển và hãng chỉ cần tuân thủ các quy định của EU đối với các công ty dịch vụ trực tuyến.

Sau chuỗi ngày u ám, cổ phiếu Vinasun bật tăng hơn 20% khi EU tuyên bố Uber là taxi - Ảnh 1.

Cổ phiếu VNS bật mạnh sau khi chạm đáy 12.000 đồng

Sau chuỗi ngày u ám, cổ phiếu Vinasun bật tăng hơn 20% khi EU tuyên bố Uber là taxi - Ảnh 2.

Cổ phiếu VNS bước vào giai đoạn giảm liên tục kể từ tháng 9/2016 đến nay

Kể từ khi ra đời vào năm 2011, dịch vụ gọi xe thông minh dựa trên nền tảng công nghệ đã khiến ngành công nghiệp taxi toàn cầu đảo lộn. Với sự tiện lợi và giá thành thấp, Uber đã thực đe doạ đối với sự tồn tại của các DN kinh doanh taxi truyền thống. Bằng chứng là 2 hãng taxi truyền thống của Việt Nam là Vinasun và Mai Linh cũng đã chịu những tổn thất nặng nề kể từ khi Uber và sau đó là Grab. Theo đó, cả 2 DN lớn ngành taxi của VN đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu các cơ quan quản lý đưa ra những rào cản chính sách thậm chí 'đuổi' Uber và Grab ra khỏi Việt Nam.

Câu chuyện quanh Uber có phải là taxi hay không tại Việt Nam cũng là vấn đề nóng và đến nay vẫn chưa có câu trả lời thật sự rõ ràng. Đại diện Uber Việt Nam mới đây cũng tiếp tục khẳng định họ là một Công ty công nghệ, không phải Công ty vận tải và cho biết sẽ cố gắng tuân thủ các quy định và sẽ có nhiều buổi làm việc với Sở GTVT TP.Hà Nội và TPHCM trong thời gian tới. Trong khi đó, đại diện Sở GTVT TPHCM và TP.Hà Nội thì nhận định Uber giống taxi hơn và phải được quản lý như taxi.

Theo đó, nếu như được xem như một doanh nghiệp kinh doanh taxi, Uber buộc phải kê khai, niêm yết giá cước, thực hiện theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe sau khi cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, xây dựng phương án nhận diện gửi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cũng như có phù hiệu khi hoạt động như taxi truyền thống…Rõ ràng, khi được xem như một hãng taxi sẽ tạo một bất lợi rất lớn đến Uber.

Trong khi đó, có vẻ như đối thủ đang lên của Uber  taxi truyền thống là Grab vẫn đang bình yên sau quyết định này. Bởi mô hình vận hành hoạt động tại Việt Nam của Uber và Grab có sự khác nhau, chủ yếu là ở tư cách pháp nhân. Nếu như công ty con của Uber ở Việt Nam (Uber Việt Nam) chỉ nhận vai trò "tư vấn quản lý", "nghiên cứu thị trường” thì GrabTaxi lập một công ty con (Grab Việt Nam) tại Việt Nam với một trong những ngành nghề đăng ký kinh doanh là "vận tải hành khách" và "vận tải hàng hóa".

Hoàng Trung

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên