MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, thị trường địa ốc sẽ "tan băng"?

04-08-2023 - 07:06 AM | Bất động sản

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo Bất động sản kỳ vọng Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 diễn ra mới đây sẽ góp phần khiến thị trường địa ốc khởi sắc.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo Bất động sản.

Chiều 3/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Ông đánh giá như thế nào về động thái của Chính phủ trong công tác gỡ khó cho thị trường địa ốc?

Tôi thực sự đánh giá rất cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc vào cuộc tháo gỡ những khó khăn trong thị trường bất động sản trong giai đoạn vừa qua. Và các giải pháp đề xuất qua hội nghị  lần này cũng dựa trên nền tảng duy trì, kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được từ khi thực hiện Nghị quyết 33.

Nhìn chung, những khó khăn vẫn xoay quanh 2 chủ điểm lớn về tháo gỡ thủ tục pháp lý, khơi thông nguồn vốn.

Đối với 2 vấn đề này, như phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị: “một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra, trong đó có những vấn đề đã kéo dài hàng chục năm không thể xử lý trong một sớm một chiều”.

Các quyết sách đưa ra cần có thời gian điều chỉnh và hoàn thiện từ nhiều cấp khác nhau từ địa phương đến trung ương; chính sách tài khóa và tiền tệ cũng cần thời gian để “ngấm” vào nền kinh tế.

Thị trường bất động sản đang được Chính phủ liên tục tháo gỡ khó khăn.

Ông đánh giá như thế nào giải pháp tháo gỡ đề xuất? Thực tế trước đó, nhiều giải pháp cũng đã được đưa ra nhưng vì sao thị trường địa ốc vẫn chưa có sự bứt phá?

Nhiều chính sách đề xuất tại hội nghị đã được Chính phủ triển khai thời gian qua. Vấn đề là khâu thực thi ở nhiều cấp còn chưa mang lại hiệu quả cụ thể. Bên cạnh đó, các khó khăn khác từ nền kinh tế chung cũng làm chậm đà phục hồi của thị trường bất động sản.

Về pháp lý, với nguyên tắc không hợp thức hóa sai phạm nên còn nhiều dự án vẫn còn bị tắc nghẽn, việc xử lý các vấn đề pháp lý bị ràng buộc bởi nhiều quy định khác nhau nên xử lý triệt để là không hề dễ dàng. Cộng thêm tâm lý sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ nên việc khó càng thêm khó. Nguồn cung dự án vẫn tắc nghẽn, chưa có cải thiện đáng kể. Và thị trường chỉ thực sự sôi động khi các chủ đầu tư tham gia mạnh mẽ vào thị trường, họ chính là những người kiến tạo thị trường.

Ông kỳ vọng như thế nào về thay đổi sau hội nghị này?

Hy vọng sau hội nghị lần này, sẽ có những quyết sách lớn trong chính sách để cán bộ dám nghĩ dám làm và tiến trình điều chỉnh các quy định pháp luật, thủ tục pháp lý sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau khi tổ công tác đã phân tích, nhận dạng các điểm nghẽn hiện nay.

Về chính sách tiền tệ: Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động phức tạp, Ngân hàng nhà nước đã có những nỗ lực lớn để hạ lãi suất, mạnh dạn điều chỉnh ngược với xu hướng chung là điều đáng ghi nhận. Những giải pháp cho thị trường trái phiếu đã phần nào giúp cho thị trường tài chính ổn định sau những biến động lớn trong năm ngoái.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ cần có độ trễ để thẩm thấu vào nền kinh tế. Nhiều dự báo chính sách tiền tệ sẽ thực sự tác động mạnh mẽ lên thị trường kể từ sau quý 3 năm nay. Nên thị trường cần thời gian “chờ đợi”.

Về chính sách tài khóa: Chính phủ đang quyết liệt triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư và tốc độ giải ngân vốn đầu tư về sau đang bức phá mạnh mẽ. Hi vọng tiến độ giải ngân sẽ đạt kế hoạch đã đề ra để góp phần kéo tăng trưởng gần mức theo kế hoạch.

Tuy nhiên, những giải pháp nói trên chỉ tác động vào những vấn đề nội tại của thị trường bất động sản trong nước, trong khi bối cảnh kinh tế thế giới hiện vẫn còn nhiều khó khăn, nền kinh tế của đất nước hiện vẫn còn nhiều thách thức. Tâm lý của nhà đầu tư vẫn chưa vội vàng tham gia lúc này mà vẫn còn quan sát các yếu tố vĩ mô và kinh tế thế giới. Cho nên lực cầu trên thị trường vẫn còn khá yếu.

Ngoài ra, sự lệch pha cung cầu trên thị trường vẫn còn rất lớn. Phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá bình dân vẫn thiếu hụt nguồn cung. Sản phẩm cao cấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường do chi phí đầu vào trong quá trình phát triển dự án trên nền giá cao. Không thể một sớm một chiều các chủ đầu tư có thể xoay chuyển được.

Bên cạnh đó, quy định về đối tượng ưu đãi mua nhà ở xã hội, chính sách thu hút đối với nhà đầu tư phân khúc nhà xã hội còn nhiều hạn chế. Chưa kích thích được sự phát triển ở phân khúc đáp ứng đa số nhu cầu của người dân hiện nay.

Mặc dù thị trường đã qua thời khắc khó khăn nhất như phát biểu của nhiều chuyên gia nhưng cả cung và cầu đều yếu và thị trường đang trên đà điều chỉnh phục hồi nên những tín hiệu thực sự chưa rõ nét.

Thị trường địa ốc đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Theo ông, sự kiện này sẽ có góp phần “tạo lửa” cho thị trường địa ốc phá băng? Vì sao ông cho rằng như vậy?

Những nỗ lực của Chính phủ cho thấy rõ quan điểm của nhà nước về vai trò quan trọng của việc thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sản trong nền kinh tế, điều này sẽ lấy lại niềm tin cho các chủ đầu tư và các nhà đầu tư, tạo ra tâm lý tích cực cho thị trường.

Sau hội nghị lần này, hệ thống chính trị sẽ phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc khơi thông thế bế tắc pháp lý trong bất động sản. Đây là cơ hội tuyệt vời để hoàn thiện các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong thị trường bất động sản trong thời kỳ đến.

Và chúng ta có thể hy vọng thị trường sẽ khởi sắc hơn trong thời gian đến.

Trong giải pháp đưa ra, ông đánh giá giải pháp nào là căn cơ và ở quan điểm của ông, cần thêm giải pháp nào?

Việc hoàn thiện và tháo gỡ các thủ tục pháp lý ở các khâu trong tiến trình thực hiện thủ tục cho dự án bất động sản là vấn đề căn cơ và cấp thiết nhất với các chủ đầu tư và với thị trường hiện nay. Khơi thông ách tắc, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đóng vai trò to lớn trong việc giảm chi phí đầu tư, chi phí cơ hội cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kinh doanh, góp phần hạ giá thành sản phẩm.

Nên chăng Chính phủ cần ban hành các quy trình chung trong thực hiện các thủ tục đầu tư dự án bất động sản để đảm bảo tính thống nhất tính, xuyên suốt và đồng bộ, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục và tránh mỗi địa phương “vận dụng” mỗi kiểu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Với loạt tín hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô và sự điều hành của Chính phủ, ông dự đoán khi nào thị trường sẽ bật dậy?

Với cách điều hành quyết liệt của Chính phủ và bối cảnh kinh tế vĩ mô của hiện nay, thị trường hi vọng sẽ khởi sắc hơn từ sau quý 3 khi mà các chính sách điều hành của Chính phủ tác động rõ nét vào thị trường. Đồng thời, bức tranh kinh tế thế giới sẽ rõ nét và tích cực hơn.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Mai Linh (thực hiện)

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên