MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau Mỹ, Nhật, Hàn, một quốc gia đang ngày càng mở rộng dấu ấn đầu tư vào ASEAN, Việt Nam có được hưởng lợi?

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC với tiêu đề "Dòng vốn FDI: Bền bỉ đối mặt với thách thức, các chuyên gia phân tích đánh giá, trong khi triển vọng thương mại toàn cầu ảm đạm thì vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vẫn đang đổ vào ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC với tiêu đề "Dòng vốn FDI: Bền bỉ đối mặt với thách thức, các chuyên gia phân tích đánh giá, trong khi triển vọng thương mại toàn cầu ảm đạm thì vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vẫn đang đổ vào ASEAN. Tỷ trọng FDI toàn cầu của khu vực đã tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2008 và tăng tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gần đây. Theo đó, khu vực ASEAN thu hút mức cao kỷ lục gần 17% vốn FDI toàn cầu trong năm 2022, gần gấp đôi so với 4 năm trước.

Cụ thể, tổng vốn FDI vào ASEAN-6 đạt trung bình gần 128 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2010-2019, cao hơn khoảng 3 lần so với mức trung bình của thập kỷ trước. Tương tự, FDI ròng trung bình đạt gần 53 tỷ USD mỗi năm trong cùng kỳ, gần gấp 4 lần mức trung bình của thập kỷ trước. Đặc biệt, xu hướng này càng gia tăng trong thời kỳ hậu Covid-19. Tổng vốn FDI tăng một cách đáng ngạc nhiên 45% lên trung bình khoảng 185 tỷ USD, với FDI ròng tăng gấp đôi lên 105 tỷ USD trong khoảng thời gian ngắn 2020-2022.

Sau Mỹ, Nhật, Hàn, một quốc gia đang ngày càng mở rộng dấu ấn đầu tư vào ASEAN, Việt Nam có được hưởng lợi? - Ảnh 1.

Tổng vốn FDI và FDI ròng của ASEAN đã tăng đáng kể sau GFC. Nguồn: HSBC

"Thành tựu này phản ánh rõ ràng các nền tảng cơ bản vững chắc, nhân khẩu học thuận lợi và chuỗi cung ứng cạnh tranh của ASEAN", báo cáo cho hay.

Quốc gia ASEAN được lợi gì từ dòng vốn FDI?

Trong số các quốc gia ASEAN, HSBC cho biết, không phải quốc gia nào cũng được hưởng lợi ở mức độ như nhau. Thu hút FDI vẫn là một bức tranh đa chiều tại ASEAN. Ngoài Singapore thì Việt Nam và Malaysia, với vị trí thuận lợi trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, tiếp tục là những quốc gia có thành tích vượt trội, với mức phê duyệt FDI dao động quanh mức 3% GDP. Điều này cho thấy những bước tiến mới trong lĩnh vực sản xuất, mặc dù tốc độ phục hồi trong chu kỳ thương mại hiện tại dường như diễn ra chậm rãi.

Sau Mỹ, Nhật, Hàn, một quốc gia đang ngày càng mở rộng dấu ấn đầu tư vào ASEAN, Việt Nam có được hưởng lợi? - Ảnh 2.

Việt Nam, Malaysia tiếp tục dẫn đầu khu vực về thu hút FDI nhưng Thái Lan và Philippines cũng đang bắt kịp. Nguồn: HSBC

Hơn 65% vốn FDI của khu vực đã đổ vào Singapore, tương đương trung bình tới 25% GDP của nước này, đưa quốc gia này trở thành nhà vô địch về thu hút FDI trong khu vực ASEAN. Điều này một phần là do vị thế chiến lược của Singapore là một trung tâm tài chính quan trọng.

Trong khi đó, hai á quân là Malaysia và Việt Nam cũng thu hút được dòng vốn FDI đáng kể. Chẳng hạn, FDI mới vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong năm 2023 đã cao hơn mỗi năm trong ba năm gần đây.

Cụ thể, khi đánh giá về Việt Nam, HSBC cho hay, khi nghĩ về FDI và những lợi ích mang lại, câu chuyện Việt Nam nổi bật một cách tự nhiên. Kể từ khi thực hiện Đổi Mới vào năm 1986, Việt Nam đã nhận được dòng vốn FDI đáng kể, trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Trong khi phần lớn khoản đầu tư ban đầu đổ vào lĩnh vực dệt may và giày dép có giá trị gia tăng thấp hơn, Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng.

Sau Mỹ, Nhật, Hàn, một quốc gia đang ngày càng mở rộng dấu ấn đầu tư vào ASEAN, Việt Nam có được hưởng lợi? - Ảnh 3.

Việt Nam tiếp tục chứng kiến dòng vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất. Nguồn: HSBC

HSBC nhận định, phần lớn thành công trong lĩnh vực công nghệ là nhờ lộ trình FDI kéo dài nhiều năm của Samsung tại Việt Nam: với khoản đầu tư 18 tỷ USD trong hai thập kỷ qua, một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đến từ Việt Nam. Điều này cũng đã khuyến khích các gã khổng lồ công nghệ khác, đặc biệt là Apple, mở rộng hoạt động của họ.

Bất chấp những thách thức thương mại diễn ra gay gắt, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng. Đầu tư GI, đầu tư thành lập mới, tại Việt Nam đã tăng 40% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2023, trong đó riêng lĩnh vực sản xuất đã chiếm 85% tổng vốn FDI mới. Đặc biệt, vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất từ đầu năm tới giờ đã vượt mức đầu tư mỗi năm trong ba năm vừa qua một cách đáng ngạc nhiên. Bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.

Bên cạnh 3 quốc gia kể trên, theo HSBC, FDI của Indonesia vẫn chưa tăng đáng kể, nhưng tiến trình cải cách công nghiệp của nước này đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Thái Lan đang chạy đua trong việc thu hút FDI chất lượng, trong khi Philippines, mặc dù có thể không phải là lựa chọn hàng đầu đối với một số nhà đầu tư, cũng đã ban hành cải cách để tăng sức hấp dẫn.

Theo lĩnh vực được đầu tư, báo cáo đánh giá, có hai chuỗi cung ứng được hưởng lợi nhiều nhất: ngành công nghệ và xe điện (EV). Trong khi Singapore, Malaysia và Việt Nam là ba quốc gia có thành tích vượt trội ở lĩnh vực công nghệ, Indonesia và Thái Lan là hai quốc gia được hưởng lợi chính ở lĩnh vực xe điện. Để thấy được sức mạnh của FDI, Malaysia hiện chiếm 45% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn. Ngoài lĩnh vực sản xuất, ngành dịch vụ tài chính của ASEAN cũng có những khởi sắc nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở Singapore.

Thái Lan, sau nhiều năm hạn chế về dòng đầu tư từ nước ngoài, dường như đang bắt kịp nhờ ưu thế trong ngành công nghiệp ô tô có thể áp dụng trong chuỗi cung ứng xe điện đang nổi lên. Mặc dù FDI vẫn chưa tăng đáng kể, Indonesia có một cơ cấu tốt trong chuỗi cung ứng xe điện, trong khi đó, Philippines cũng có đà tăng trưởng tích cực.

Tầm quan trọng của các nhà đầu tư Trung Quốc

Từ trước đến nay, nội khối ASEAN, Mỹ và EU là những nhà đầu tư tiên phong đầu tư vào ASEAN. Các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất. Những nhà đầu tư Nhật Bản đã biến Thái Lan thành một trung tâm ô tô của khu vực, và những nhà đầu tư Hàn Quốc đã đưa Việt Nam thành một trung tâm mới nổi về điện tử tiêu dùng. 

Tuy nhiên, theo HSBC, Trung Quốc đang mở rộng dấu ấn đầu tư sang ASEAN và nhanh chóng bắt kịp các nước khác. Mỹ và EU vẫn là hai nhà đầu tư lớn và chủ yếu đổ vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính và sản xuất, thường hướng tới sản xuất tiên tiến.

Mặt khác, Trung Quốc, quốc gia từng tập trung đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hiện đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của ASEAN. Nếu chúng ta nhìn vào lĩnh vực sản xuất, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đã chứng kiến sự tăng vọt về tỷ trọng FDI của Trung Quốc. 

Tại Indonesia, đầu tư của Trung Quốc, bao gồm nhà sản xuất pin EV hàng đầu CATL và nhà sản xuất thép không gỉ Tsingshan, là chìa khóa tạo điều kiện cho sự bùng nổ của nhà máy luyện niken, nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất pin EV. Tuy nhiên, Indonesia không phải là ứng cử viên duy nhất thu hút FDI của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xe điện. Các nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc, BYD, Great Wall Motor (GWM) và SAIC, đều đã thiết lập dây chuyền sản xuất tại Thái Lan, do vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng ô tô và các khoản trợ cấp hào phóng của quốc gia này.

Mặt khác, Malaysia cũng đang cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất xe điện. Không chỉ thu hút được 3 nhà đầu tư Trung Quốc là BYD, Great Wall Motor và Chery trong năm nay, Tesla gần đây cũng chọn Malaysia làm điểm đến để mở rộng sản xuất. Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc cũng mở rộng sang lĩnh vực năng lượng mặt trời đang phát triển của Malaysia, với Risen Energy công bố khoản đầu tư cơ sở đầu tiên vào Đông Nam Á trị giá hơn 10 tỷ USD trong 15 năm tới.

Trong trường hợp của Việt Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục cũng đang để mắt đến ngành điện tử tiêu dùng của nước này, với hai trong số ba nhà cung cấp lớn của Apple đang rót vốn đầu tư vào Việt Nam để mở rộng công suất.

Trong khi Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tư FDI lớn ở Singapore, các nhà đầu tư cũng đã có động thái trong lĩnh vực dược phẩm chiến lược có giá trị gia tăng cao. Ngoại lệ duy nhất là Philippines, nơi FDI của Trung Quốc gần như không đáng kể.

Nhìn chung, cuộc đua thu hút FDI đã bắt đầu và đồng hồ đang điểm. Mặc dù triển vọng thương mại trong tương lai gần còn trầm lặng, dòng vốn FDI ổn định sẽ giúp ASEAN tiếp tục thăng hạng trong chuỗi giá trị và củng cố tầm quan trọng của mình trong thương mại toàn cầu.

Giang Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên