Thu về cả tỷ USD mỗi năm từ thị trường Việt Nam, Coca-cola và Pepsi “lãi bình thường” trở lại sau nghi án chuyển giá
Biên lợi nhuận gộp của Coca-cola trong hai năm gần đây đã trở lại con số tương đương với Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, cần ít nhất 5 năm duy trì hoạt động để đế chế nước ngọt này xóa hết lỗ tại thị trường Việt Nam.
- 11-07-2018Bán sản phẩm không thể thiếu cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam, Kotex và Diana đang làm ăn làm ra sao?
- 10-07-2018Khốc liệt "chiến trường" thương mại điện tử: Tiki, Shopee lỗ vài trăm tỷ chưa là gì so với mức lỗ nghìn tỷ đồng mỗi năm của Lazada
Tham gia vào thị trường Việt Nam từ đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, Coca-cola và Pepsi nhanh chóng định vị lại ngành sản xuất đồ uống. Với thương hiệu nổi tiếng cùng tiềm lực tài chính mạnh, hai "đại gia" đồ uống này nhanh chóng đánh bật những tên tuổi nội địa để chiếm ngôi đầu về thị phần đồ uống không cồn. Ngoại trừ mảng kinh doanh trà đóng chai vẫn được giữ bởi Tân Hiệp Phát, những công ty từng nổi tiếng một thời như Chương Dương, hay Tribeco đều lần lượt rút lui để nhường sân chơi cho những đối thủ ngoại.
Mặc dù "không có đối thủ" nhưng có một thực tế là gần 20 năm hoạt động trên thị trường Việt Nam, cả hai đế chế đồ uống lớn nhất thế giới đều chưa biết đến mùi lợi nhuận. Con số này khiến không ít nhà đầu tư, chuyên gia khi đó bất ngờ. Với thực tế đó, giai đoạn 2013 – 2014 cả Coca-cola và PepsiCo bị gắn với nghi vấn chuyển giá tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi vấn đề chuyển giá bị đặt ra nghiêm túc, hoạt động của cả Coca-cola và PepsiCo Việt Nam đều bình thường trở lại. Cả hai doanh nghiệp này ghi nhận con số lợi nhuận hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng.
Hai năm 2015 và 2016, doanh thu của Coca-cola Việt Nam đều đạt gần 7.000 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế khoảng 600 tỷ đồng mỗi năm. So với Tân Hiệp Phát, biên lợi nhuận gộp của Coca-cola Việt Nam tương đương với mức gần 40%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng trên doanh thu của đơn vị này lại cao hơn 10%.
So với kết quả đi ngang về doanh thu của Coca-Cola, thì hoạt động kinh doanh của PepsiCo tại Việt Nam có phần khả quan hơn. Sau khi lập liên doanh với tập đoàn Suntory của Nhật Bản năm 2013, doanh thu của công ty này tăng mạnh. Doanh thu của Suntory PepsiCo Việt đạt hơn 11.000 tỷ vào năm 2014, tăng thêm 2.000 tỷ vào năm sau đó và đạt gần 13.600 tỷ vào năm 2016. Lợi nhuận của liên doanh này cũng tăng gấp đôi chỉ trong 3 năm, từ mức gần 700 tỷ năm 2014 lên hơn 1.400 tỷ năm 2016.
So với Coca-Cola, lợi thế của PepsiCo sau khi hình thành liên doanh với Suntory là ngành hàng kinh doanh được mở rộng.
Đế chế đồ uống này gần như có tất cả các loại sản phẩm không cồn để đối trọng lại với Coca-cola, từ đồ uống có ga, nước tăng lực, nước thể thao cho đến nước khoảng. Bên cạnh đó, nhờ thành lập liên doanh với Suntory, PepsiCo còn đạt được thành công với mảng trà đóng chai, lĩnh vực mà Coca-cola chưa có sự hiện diện đáng kể. Thị phần ngành hàng này của Suntory PepsiCo hiện đứng thứ hai thị trường với hơn 15,6%, chỉ sau Tân Hiệp Phát và vượt qua cả URC.
Tuy nhiên, do kết quả kinh doanh mới chỉ chuyển biến trong 3 năm gần đây nên con số lợi nhuận lũy kế của 2 doanh nghiệp này không thực sự tương xứng với thị phần đang nắm giữ.
Lũy kế đến cuối năm 2016, Coca-Cola vẫn có lỗ lũy kế gần 2.700 tỷ đồng. Trước đó lỗ lũy kế của doanh nghiệp này cuối năm 2014 lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Với lợi nhuận khoảng 500 tỷ mỗi năm, cần ít nhất 5 năm tới để Coca-cola Việt Nam thoát khỏi cảnh lỗ lũy kế.
Suntory PepsiCo Việt Nam có phần khả quan hơn với tổng lợi nhuận trước thuế trong ba năm 2014-2016 đạt hơn 3.300 tỷ, lợi nhuận chưa phân phối của Suntory PepsiCo Việt Nam đến cuối năm 2016 đã trở lại số dương, với hơn 1.800 tỷ đồng.
Cũng nhờ việc có lãi "bình thường", hai năm này, mỗi năm Coca-cola Việt Nam đã đóng thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 120 tỷ đồng. Còn Suntory PepsiCo Việt Nam đóng khoảng 150 đến 260 tỷ tiền thuế, tùy theo lợi nhuận từng năm.
Trí Thức Trẻ