Video: Biến gầm cầu thành nơi tập kết, vận chuyển cát xây dựng
Theo phản ánh của người dân địa phương, cầu vượt bắc qua khu vực đường Phạm Văn Đồng vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng , vượt sông Lạch Tray (đoạn qua tổ 2A, phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) từ lâu đã trở thành nơi tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát xây dựng; các phương tiện bơm hút cát, vận chuyển ngay dưới gầm cầu và hành lang cầu.
Họ còn ngang nhiên lập hẳn nhà tạm bằng các container ngay dưới trụ cầu.
Dưới gầm cầu, sau khi cát được bơm lên, họ sử dụng máy xúc, ô tô vận chuyển cát đi tiêu thụ.
Xe tải hạng nặng tập kết dưới chân cầu khi không vận chuyển.
2 trụ cầu nằm sát đê quốc gia cũng bị máy xúc đào bới, xúc cát đi tiêu thụ.
Những chiếc ống bơm cát được tập kết dưới trụ cầu, gầm cầu được san lấp làm đường vận chuyển cát.
Hành lang cầu bị đào bới thành từng vũng để bơm cát lên, vận chuyển đi tiêu thụ.
Những hoạt động "mắt thấy, tai nghe" như thế này vẫn diễn ra hàng ngày mà không được ngăn chặn.
Cát được vận chuyển từ khu vực chân cầu, vượt qua đê biển quốc gia cạnh sông Lạch Tray, sang đường Phạm Văn Đồng (qua phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) đi tiêu thụ.
Theo người dân địa phương, thời điểm trước, các xe tải hạng nặng vận chuyển cát đen chạy rầm rập suốt đêm qua khu vực chân cầu. Trả lời PV VTC News về thực trạng trên, một cán bộ thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, sẽ kiểm tra lại và thông tin sau.
Trước thực trạng một số cầu vượt thuộc đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị chiếm dụng gầm cầu, vi phạm hành lang an toàn cao tốc, ảnh hưởng đến kết cấu của các công trình đường cao tốc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công văn đốc thúc các đơn vị liên quan sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng này. Tuy nhiên, vì sao thực trạng trên diễn ra công khai mà không được cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là chính quyền địa phương và đơn vị quản lý vào cuộc ngăn chặn xử lý dứt điểm vẫn là câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc.