Thanh long - mặt hàng áp đảo của Việt Nam ở Tân Phát Địa.
Ngày 17/9, chuyến sầu riêng đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam chính thức được đưa sang Trung Quốc. Là một trong những doanh nghiệp lớn ở Tân Phát Địa đã nhập khẩu các loại hoa quả tươi của Việt Nam từ năm 2013, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Youlego Bắc Kinh mỗi năm nhập tới hơn 300 triệu nhân dân tệ (gần 43 triệu USD) hàng hóa của Việt Nam, trong đó riêng thanh long chiếm khoảng 80%.
Bà Dượng Lệ Lệ, Phó Tổng giám đốc công ty, cho biết sẵn sàng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam sau khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: “Đối với mặt hàng sầu riêng, thực ra Việt Nam có lợi thế nhất định về giá cả. Những doanh nghiệp thương mại như chúng tôi có nhu cầu nhập sầu riêng của Việt Nam, nhưng từ sau năm 2019 vì một vài nguyên nhân, chúng tôi không còn được nhập nữa. Do vậy, trên thị trường chỉ còn sầu riêng của Malaysia và Thái Lan. Trong khi hàng của hai quốc gia này cũng có những hạn chế về thời vụ và sản lượng, còn sầu riêng Việt Nam tương đối có lợi thế về giá”.
Trung tâm phân loại sầu riêng ở chợ Tân Phát Địa.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất toàn cầu. Số liệu thống kê cho thấy, sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2021, nước này đã nhập hơn 822.000 tấn sầu riêng với tổng kim ngạch lên tới 4,2 tỷ USD, tăng gấp 8 lần chỉ trong vòng 5 năm, so với mức 550 triệu USD của năm 2017. 6 tháng đầu năm 2022, lượng nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh 60%.
Không chỉ tại Tân Phát Địa, mà trên cả nước Trung Quốc, nói đến sầu riêng người ta nghĩ ngay đến Thái Lan hay Malaysia, trong đó có tới khoảng 90% nhập khẩu từ Thái Lan. Theo Bộ Hợp tác Nông nghiệp Thái Lan, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của nước này sang Trung Quốc đã vượt 500.000 tấn, lập kỷ lục mới từ trước tới nay.
Theo thương nhân ở chợ, vào mùa cao điểm không có sầu riêng để bày từng quả như thế này. Tất cả đều xếp vào thùng và bán luôn trên container.
Bên cạnh tận dụng tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào, Thái Lan đã thiết lập tuyến vận chuyển qua đường biển và đường hàng không sang Trung Quốc. Trong đó, hồi tháng 4/2022, “Tuyến tốc hành sầu riêng” đầu tiên từ cảng Laem Chabang Thái Lan đến một cảng biển ở Quảng Châu, Trung Quốc đã được hình thành. Hơn 3.000 tấn sầu riêng đã được vận chuyển qua đây chỉ trong 4 ngày, dự kiến sẽ có hơn 4.000 container sầu riêng Thái Lan được đưa vào thị trường Trung Quốc qua tuyến đường này trong năm 2022.
Theo bà Dương Lệ Lệ và một số thương nhân Trung Quốc, một trong những điểm bất lợi của sầu riêng Malaysia là luôn phải bảo quản lạnh và giá cả khá cao, trong khi sầu riêng Thái Lan không hẳn là không có vấn đề về chất lượng. Nếu tận dụng được lợi thế về khoảng cách địa lý, giúp giảm bớt giá thành và đảm bảo được chất lượng, sầu riêng Việt có thể chinh phục người tiêu dùng tại đây.
Mít Tiền Giang được bày bán tại chợ.
“Chúng tôi từng nhập sầu riêng Việt Nam, do vậy khi so sánh với sản phẩm của các quốc gia khác, chúng tôi cho rằng Việt Nam nên tập trung làm tốt khâu kiểm định chất lượng, phân cấp, cũng như cải tiến khâu vận chuyển, độ chín và bao bì. Người tiêu dùng Trung Quốc khá là đón nhận và có nhu cầu thưởng thức sầu riêng. Tôi nghĩ, sầu riêng Việt Nam vẫn có cơ hội” - bà Dương Lệ Lệ nói.
Hồi đầu tháng 9/2022, Trung Quốc đã công bố danh sách 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang nước này. Việt Nam là quốc gia thứ 3 tiếp theo Thái Lan và Malaysia được Trung Quốc mở cửa thị trường sầu riêng.
Bà Dương Lệ Lệ, Phó Tổng giám đốc công ty Youlego
Theo số liệu trong nước, từ trước năm 2019, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, hàng năm 70% sản lượng sầu riêng của Việt Nam được xuất sang thị trường khổng lồ này. Sau 4 năm vắng bóng, sầu riêng Việt đang đứng trước cơ hội quay trở lại thị trường Trung Quốc một cách đầy ngoạn mục dựa trên kinh nghiệm thành công của thanh long tại quốc gia này./.