Sau thắng đậm trong tháng 5, nhà đầu tư có nên tiếp tục mua hàng hóa và chứng khoán trong tháng 6?
Tháng 5 kết thúc với sự thành công rực rỡ của các nhà đầu tư chứng khoán và hàng hóa. Giá các mặt hàng từ kim loại, năng lượng đến nông sản… đều có mức tăng giá hàng tháng cao nhất kể từ năm 2011, do lo ngại lạm phát sẽ gia tăng.
- 01-06-2021Giá dầu vượt 70 USD/thùng, lên cao nhất gần 2 năm qua
- 01-06-2021Thị trường ngày 01/6: Giá dầu lên gần 70 USD/thùng, giá vàng, bạc, thép, quặng sắt đồng loạt tăng cao
- 01-06-2021Ngành thép khó khăn khi giá sản phẩm thép giảm nhanh nhưng giá quặng sắt vẫn neo cao
Chứng khoán thế giới tháng 5 tăng tháng thứ 4 liên tiếp, theo đó chỉ số MSCI toàn cầu tăng 1,4% trong tháng 5, là chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 8/2020. So với đầu năm 2021, chỉ số chứng khoán tháng 5 đã tăng khoảng 10%.
Đáng chú ý, chứng khoán Mỹ tháng 5 biến động mạnh theo hướng đi lên. Tính chung cả tháng, S&P tiến thêm 0,55%, Dow tăng 1,94%, và chỉ riêng Nasdaq mất 1,53%.
Mức độ tăng/giảm giá các loại tài sản đầu tư (so sánh với đầu năm 2021 và với 1 năm trước)
Đặc biệt, chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương tăng liên tiếp từ tuần thứ 2 của tháng 5 đến hết tháng (tổng cộng 3 tuần), đẩy mức tăng điểm của chứng khoán khu vực từ đầu năm đến nay tăng mạnh.
Mức độ tăng/giảm giá chứng khoán Châu Á-TBD (so sánh với đầu năm 2021 và với 1 năm trước)
Trong nhóm hàng hóa, tính từ đầu năm đến nay, nhóm năng lượng có mức tăng giá mạnh nhất, tiếp đến là kim loại công nghiệp và nông sản, đứng sau cùng là kim loại quý.
Giá xăng dầu tháng 5 biến động mạnh, về cuối tháng có thời điểm đạt mức cao nhất 2 năm, vượt ngưỡng quan trọng, 70 USD/thùng, do những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ làm dấy lên kỳ vọng nhu cầu trên toàn cầu sẽ hồi phục, nhất là ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc.
Tính từ đầu năm đến nay, dầu Brent đã tăng giá khoảng 35%, dầu WTI tăng 37% trong khi xăng tăng giá khoảng 51%. Giá xăng tại Mỹ hiện trung bình khoảng 3,04 USD/gallon, đắt nhất kể từ 2014.
Những kỳ vọng rằng nền kinh tế mở cửa trở lại và người dân Mỹ và Châu Âu sẽ tăng cường đi du lịch – thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh – đã khiến nhà đầu tư tạm quên đi lo ngại về tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng ở Châu Á cũng như việc Iran sắp quay trở lại xuất khẩu dầu.
"Nhu cầu xăng dầu ở nhiều khu vực hiện đã vượt qua mức năm 2019 ", các nhà phân tích của ANZ cho biết trong một thông báo. Phó thủ tướng Nga, Alexander Novak, hôm 26/5 cho biết, thâm hụt dầu toàn cầu hiện ở mức khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Mức độ tăng/giảm giá hàng hóa (so sánh với đầu năm 2021 và với 1 năm trước)
Đáng chú ý, thị trường sắt thép trở nên "nóng bỏng" hơn bao giờ hết khi giá đã đạt mức cao kỷ lục lịch sử vào đầu tháng 5/2021. Theo đó, giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng đã tăng lần lượt 14,5% và 17,5% chỉ trong 12 ngày đầu tháng 5/2021. Tuy nhiên, do giá cả 2 loại giảm 24% trong 2 tuần cuối tháng nên tính chung cả tháng 5 giá thép thanh vằn giảm 6,8%, còn thép cuộn cán nóng giảm 5,9%, chủ yếu bởi những chính sách của Chính phủ Trung Quốc cũng như bởi xu hướng thị trường.
Giá quặng sắt tháng 5 cũng tăng rất mạnh, là yếu tố chính đẩy giá thép tăng. Mặc dù cũng diễn biến thất thường như giá thép, song tính chung cả tháng 5, giá quặng sắt vẫn tăng 1,6%.
Mức độ tăng/giảm giá kim loại (so sánh với đầu năm 2021 và với 1 năm trước)
Đối với nông sản, giá ngũ cốc, dầu ăn, cà phê, đường đều tăng mạnh. Theo đó, giá ngô Mỹ đã tăng hơn 50% kể từ đầu năm tới nay, mức tăng nhiều chưa từng có trong 5 tháng đầu năm của ít nhất là từ 1973. Mức tăng nhiều thứ 2 ghi được là vào năm 2008, khi đó 5 tháng đầu năm giá ngô Mỹ tăng 38%. Giá đường và cà phê cuối tháng 5 cũng vọt lên mức cao nhất hơn 4 năm.
Đối với kim loại quý, giá vàng đã phá đỉnh 1.900 USD lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021, do USD yếu đi, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và thị trường chứng khoán biến động mạnh. Trong nhóm này, đáng chú ý là giá bạc đã tăng tới 86% chỉ trong vòng một năm qua.
Tính chung cả tháng 5, giá vàng tăng mạnh 8%, là mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 7 năm 2020, giúp xóa hết mức giảm từ đầu năm tới nay, với giá hiện tại bằng mức giá đầu năm 2021, trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu gia tăng và khả năng kinh tế thế giới hồi phục không đồng đều, khi một số quốc gia đang chật vật bởi Covid-19 bùng phát trở lại.
Có rất nhiều yếu tố đang hỗ trợ tích cực cho giá vàng, như: nguy cơ lạm phát hiện hữu ở Mỹ; giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 4 năm nay, lên tới 3,4% (so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/1992 )…
Nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá mạnh, như gỗ xẻ, palladium…
Các nhà phân tích nhận định đây mới chỉ là sự khởi đầu của một chu kỳ tăng giá
Nhiều mặt hàng như đồng, quặng sắt, dầu mỏ, ngô, đậu tương… dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.
Đối với thị trường chứng khoán, giới phân tích cho biết tháng 6 trong lịch sử thường không phải là tháng các thị trường chứng khoán tăng mạnh. Trong 20 năm qua, số lần chứng khoán Mỹ tăng điểm trong tháng 6 chỉ là 40%. Theo công ty quản lý tài sản Bespoke Investment Group, tháng 6 với tháng 9 thường là những tháng tồi tệ nhất đối với chứng khoán Phố Wall, viện dẫn mức giảm trung bình của Dow là 0,7% trong giai đoạn này.
Để dự đoán xu hướng giá cả trong thời gian tới, trước hết cần trả lời câu hỏi liệu vào tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có sẵn sàng thông báo giảm bớt việc mua trái phiếu bắt đầu từ năm sau hay không?
Cho đến nay, Fed vẫn luôn khẳng định rằng thị trường lao động cần phải cải thiện nhiều hơn nữa trước khi định chế tài chính này bàn đến việc giảm dần các chương trình kích thích kinh tế.
Các quan chức của Fed trong các bài phát biểu đều cho rằng lạm phát hiện tại sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, và Fed cần giữ lạm phát bền vững ở 2% trong một thời gian dài.
Một khi đồng USD vẫn còn thấp, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tiếp tục hồi phục, thì giá hàng hóa sẽ còn tiếp tục tăng.
USD tháng 5 đã giảm giá so với euro và bảng Anh 2 tháng liên tiếp (tháng 4 và tháng 5), và chưa có dấu hiệu hồi phục bền vững.
Diễn biến Dollar index trong một năm qua
Tuy nhiên, thị trường tài chính đang trong giai đoạn biến động rất mạnh. Các nhà phân tích và nhà đầu tư vẫn đang cố gắng đánh giá lập trường chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, cũng như nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiềm chế giá nguyên liệu thô, cũng như tình hình diễn biến đại dịch Covid-19 ở Châu Á, Mỹ và Châu Âu.
Các nước Châu Á vẫn đang chật vật đấu tranh với đại dịch Covid-19, buộc nhiều nước đã phải tái phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan quá nhanh chóng của virus này.
Về chính sách của các ngân hàng trung ương, rõ ràng là các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng lâm vào tình thế khó xử. Đó là lạm phát tăng nóng trong trong nền kinh tế cơ bản vẫn đang trầy trật cố thoát khỏi giai đoạn khó khăn sau đại dịch. Đơn cử như Mỹ, một số quan chức của Fed đã bày tỏ sự sẵn sàng thảo luận về việc giảm bớt mua tài sản trong những tháng tới. Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng có thể sắp bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Thêm vào các yếu tố khó lường là thái độ của Trung Quốc đối với thực trạng bão giá hàng hóa. Bắc Kinh đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về giá nguyên liệu thô tăng và sẵn sàng hành động để kiềm chế xu hướng đó.
Trên thực tế, Trung Quốc đã thông báo sẽ tăng cường kiểm soát giá quặng sắt, ngô, đồng và các hàng hóa quan trọng khác trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021-2025 nhằm giải quyết những biến động bất thường về giá cả. Trung Quốc cũng đã yêu cầu 5 công ty quốc doanh báo cáo về việc sử dụng dầu nhập khẩu của họ trong những năm qua, một phần trong nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm điều chỉnh nhập khẩu dầu thô vào nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Nói chung, trong những ngày tới, các nhà phân tích và các nhà đầu tư vẫn theo dõi sát những sự kiện vĩ mô quan trọng để biết thêm manh mối về những động thái tiếp theo của các nhà hoạch định kinh tế. Đó là dữ liệu về chỉ số sản xuất, số liệu việc làm….
(Tổng hợp từ Refinitiv)