MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau thương vụ bán Phúc Long cho Masan với giá gần 280 triệu USD, ông Lâm Bội Minh giờ ra sao?

09-08-2023 - 22:17 PM | Doanh nghiệp

Sau thương vụ bán Phúc Long cho Masan với giá gần 280 triệu USD, ông Lâm Bội Minh giờ ra sao?

Thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long là sự kiện M&A được chú ý nhất trong năm qua. Tổng cộng, để sở hữu 85% cổ phần Phúc Long Heritage, Masan đã phải thanh toán vào khoảng 280 triệu USD, con số kỷ lục đối với một chuỗi F&B. Sau giao dịch đình đám này, cha đẻ của Phúc Long - ông Lâm Bội Minh còn lại những gì?

Thương hiệu trà, cà phê nổi tiếng Phúc Long được thành lập năm 1968 bởi ông Lâm Bội Minh, sinh năm 1946. Đây là một đại gia vô cùng kín tiếng với truyền thông, cho đến hiện tại, chưa có bất kỳ một bức hình nào của ông xuất hiện trên các nền tảng thông tin, báo chí.

Tên tuổi ông Lâm Bội Minh được nhắc đến nhiều hơn sau thương vụ bán Phúc Long cho Masan với mức giá phải trả lên tới khoảng 280 triệu USD, tương đương hơn 6.400 tỷ đồng.

Sau thương vụ bán Phúc Long cho Masan với giá gần 280 triệu USD, ông Lâm Bội Minh giờ ra sao? - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa

Sau thương vụ bán Phúc Long cho Masan, ông Lâm Bội Minh đã mua lại công ty Bất động sản của Coteccons?

Báo cáo thường niên năm 2022 của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) thể hiện vào ngày 19/5/2022, Tập đoàn đã hoàn thành việc chuyển nhượng 69,98% cổ phần tại Phú Nhuận 168 với giá chuyển nhượng là 183,2 tỷ đồng.

Số tiền lãi 70,6 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng này đã được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính trên BC kết quả hoạt động KD hợp nhất. Kể từ thời điểm trên, Phú Nhuận 168 không còn là công ty con của Tập đoàn.

Mặc dù thông tin người mua không được tiết lộ trong các tài liệu của CTD nhưng theo tìm hiểu, người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của Phú Nhuận 168 đã được thay đổi sang ông Lâm Bội Minh (SN 1946) đúng vào ngày 19/5/2022, trùng với thời điểm CTD tuyên bố hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại doanh nghiệp này.

Vốn điều lệ của Phú Nhuận 168 theo ĐKKD khi đó là 159,7 tỷ đồng.

Công ty CP Phú Nhuận 168 được thành lập năm 2019, có trụ sở đăng ký tại số 236/6 đường Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Hoạt động chính của Phú Nhuận 168 là môi giới và kinh doanh bất động sản, QSDĐ thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc cho thuê.

Tại ngày 31/12/2021, CTD nắm giữ 69,98% vốn chủ sở hữu và 100% quyền biểu quyết tại Phú Nhuận 168.

Bán Phúc Long Heritage, ông Lâm Bội Minh vẫn còn hàng loạt các doanh nghiệp khác

Hiện nay, ngoài Phú Nhuận 168, ông Lâm Bội Minh còn là người đại diện của một số doanh nghiệp khác như CT TNHH Phúc Long Bakery, CT TNHH Đầu tư và dịch vụ du lịch Phúc Long, CTTNHH SXTM Phúc Long. Các doanh nghiệp trên hiện đều đang hoạt động và có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.

Lần đầu tiên, vào cuối tháng 5/2021, tập đoàn Masan tuyên bố bỏ 15 triệu USD để mua 20% cổ phần Phúc Long, tương đương mức định giá chuỗi cà phê, trà sữa này ở mức 75 triệu USD.

Tháng 02/2022, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang công bố đã mua thêm 31% cổ phần của chuỗi cà phê, trà sữa Phúc Long với giá 110 triệu USD trong tháng 01/2022. Sau giao dịch này, Masan sở hữu 51% cổ phần Phúc Long, chính thức trở thành công ty mẹ của thương hiệu trà sữa lâu đời tại Việt Nam và sẽ hợp nhất kết quả kinh doanh của hệ thống này vào báo cáo tài chính của tập đoàn.

Lần mua bán thứ 3 vào ngày 01/8/2022, thông qua công ty con The Sherpa, Masan đã tiến hành mua thêm 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của công ty cổ phần Phúc Long Heritage với giá trị 3.617.700 triệu VND , nâng tổng lợi ích tại PLH từ 51% lên 85%.

Với giá trị quy đổi theo tỷ giá 23.540 VNĐ/1 USD, ước tính số tiền chuyển nhượng 85% cổ phần Phúc Long Heritage mà Masan phải thanh toán rơi vào khoảng 280 triệu USD.

Theo Trọng Nghĩa

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên