SCIC nắm giữ hơn 28.000 tỷ tiền gửi, lợi nhuận 2019 giảm hơn 50% do dự phòng giảm giá 2.400 tỷ cùng nguồn thu thoái vốn eo hẹp
Khoản trích lập dự phòng nhiều khả năng liên quan đến cổ phiếu Vnsteel - doanh nghiệp SCIC mới tiếp nhận trong năm 2019.
- 29-04-2020SCIC cần nâng cao vai trò của nhà đầu tư Chính phủ trong nền kinh tế
- 11-04-2020Tổng công ty SCIC: Vốn hoá thị trường đạt 6,2 tỷ đô la
- 11-04-2020Phó Thủ tướng Thường trực: SCIC không nên ôm đồm quá nhiều DN địa phương chuyển về
Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2019. Theo đó, doanh thu từ hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn của SCIC trong năm 2019 đạt 6.529 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2018.
Năm 2018, SCIC thu về hơn 7.500 tỷ từ bán vốn cổ phần tại Vinaconex, năm 2019 thì gần như không có khoản bán vốn lớn nào.
Các khoản lãi từ công ty liên kết cũng giảm một nửa so với năm trước, chỉ đạt 538 tỷ đồng.
Nguồn thu giảm mạnh trong khi đó SCIC còn phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư 2.424 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế năm 2019 chỉ đạt 4.351,3 tỷ đồng, giảm 58,8% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 4.332 tỷ, giảm 53,6% cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm SCIC ghi nhận lợi nhuận và doanh thu thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của SCIC đạt 57.286 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,45 tỷ USD trong đó vốn đầu tư chủ sở hữu đã tăng từ 26.000 tỷ lên gần 33.200 tỷ.
SCIC đang quản lý danh mục có giá trị 49.281 tỷ đồng, tăng gần 17.000 tỷ so với năm 2018. Trong đó, 28.437 tỷ, tương đương gần 58% tổng danh mục là tiền gửi ngân hàng.
Tỷ trọng các khoản đầu tư của SCIC tại thời điểm 31/12/2019
Theo ghi nhận của SCIC, tổng công ty đã phải trích lập hơn 2.553 tỷ cho các khoản đầu tư mới tiếp nhận năm 2019. Điều này đã làm lợi nhuận của Tổng công ty giảm một khoản tương ứng so với năm trước.
SCIC đã tăng giá trị nắm giữ cổ phiếu chưa niêm yết hơn 10.000 tỷ trong năm 2019 và nắm giữ khoản trái phiếu gần 5.100 tỷ.
Trong năm, SCIC nhận bàn giao 13 Tổng công ty gồm Tổng công ty thép, Công ty cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp, Công ty cổ phần Nông thổ sản Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng. Việc nhận bàn giao các tổng công ty theo Chỉ thị 01/CT-TTg (ngày 5/1/2019), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước ngày 31/3/2019, các bộ, ngành, địa phương phải chuyển giao toàn bộ DN không thoái vốn đúng tiến độ về SCIC.
Trong số này đáng kể nhất là gần 94% cổ phần của Tổng Công ty Thép, có mệnh giá gần 6.400 tỷ đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, SCIC tiếp nhận khoản vốn đầu tư với giá bằng mệnh giá nhưng giá thị trường tại ngày 31/12/2019 chỉ đạt 6.500 đồng (hiện còn 6.000 đồng) và đây là nguyên nhân khiến chi phí dự phòng giảm giá năm 2019 của SCIC tăng vọt lên hơn 2.400 tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ