Sẽ công bố nguyên nhân Bí thư Yên Bái bị sát hại
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi của chúng tôi tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 31-8.
- 18-08-2016'Bắn bí thư Yên Bái xong, ông Minh còn chào hỏi cán bộ khác'
- 18-08-2016Bí thư và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái bị bắn chết, nghi phạm đã tử vong
- 18-08-2016Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND Yên Bái bị bắn trọng thương
“Chính phủ đánh giá như thế nào về vụ việc giết người nghiêm trọng xảy ra ở Yên Bái vừa qua, công tác điều tra đã tiến hành như thế nào và đã xác định được nguyên nhân chưa?” - phóng viên chúng tôi hỏi.
Đang điều tra
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sau khi sự việc nghiêm trọng xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến Yên Bái thị sát, kiểm tra tình hình, làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy.
Thủ tướng yêu cầu phải ổn định tình hình an ninh, trật tự, xã hội tại địa phương.
Thủ tướng khẳng định đây là vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã có công văn chỉ đạo cơ quan công an khởi tố, điều tra, xác định nguyên nhân vụ án cấp dưới dùng súng sát hại cấp trên.
Hiện cơ quan công an đang tiến hành điều tra, sau này kết quả thế nào sẽ công bố để báo chí biết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ diễn ra trong 2,5 ngày, tập trung công tác xây dựng thể chế và thảo luận tình hình kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Chính phủ chọn chủ đề của phiên họp này là sử dụng tiết kiệm tài sản công.
“Thủ tướng nhấn mạnh tài sản công là mồ hôi, công sức và tiền thuế của nhân dân, Chính phủ phải có trách nhiệm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Ví dụ, tới đây sẽ có văn bản siết chặt các đối tượng được sử dụng xe công , những đối tượng được xe công đưa đón, không được sử dụng xe công vào việc riêng, ngay cả việc sử dụng xe công đi lễ chùa” - ông Dũng nói.
Không để khoảng trống về pháp luật
Vẫn theo ông Dũng, về việc bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định rằng nhà nước không đi bán bia, không đi bán sữa nếu những doanh nghiệp ấy, lĩnh vực ấy giao cho tư nhân làm tốt hơn, để nhà nước dành vốn đầu tư vào những lĩnh vực then chốt.
Thủ tướng yêu cầu công khai, minh bạch quá trình cổ phần hóa, làm sao đạt được hiệu quả cao nhất, đồng thời phải giữ được các thương hiệu Việt có tính cạnh tranh.
Tại kỳ họp này, Chính phủ dành nhiều thời gian để thảo luận các dự án luật, trong đó có sửa một số luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ…
“Tinh thần được Thủ tướng truyền đạt đến các thành viên Chính phủ là không để khoảng trống về pháp luật, thượng tôn pháp luật” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần nói đi đôi với làm, khắc phục tình trạng như đại biểu Quốc hội nêu là “khoảng cách lớn nhất của chúng ta là từ lời nói đến hành động”.
Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để đôn đốc, kiểm tra, rà soát việc thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và các phó thủ tướng.
“Thủ tướng đề nghị cả hệ thống phải chuyển động, chứ không chỉ là chuyển động ở Chính phủ, tức là cả tỉnh, huyện, xã phải chuyển động. Tổ công tác sẽ có báo cáo hàng tháng tại phiên họp Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, từ đó biểu dương những việc làm tốt, làm nhanh, phê bình những việc làm chậm, làm không tốt, khắc phục tình trạng trì trệ” - ông Dũng cho hay.
Tuổi trẻ