MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ miễn trách nhiệm với người tham gia tái cơ cấu TCTD được kiểm soát đặc biệt

16-04-2017 - 09:08 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo Chính phủ, việc quy định về miễn trách nhiệm là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ theo hướng chỉ được miễn trách nhiệm về "kết quả" của việc thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, khi phương án cơ cấu lại không đạt mục tiêu do nguyên nhân khách quan và những người này đã làm hết trách nhiệm của mình.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2017. Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu và dự án Luật Quy hoạch.

Theo đó, Chính phủ thống nhất định hướng từ nay, nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Về thẩm quyền trong cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, cần quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, theo hướng:

Chính phủ quyết định phương án phá sản, phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương cơ cấu lại, phê duyệt phương án phục hồi, phương án xử lý pháp nhân đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính được kiểm soát đặc biệt;

Ngân hàng Nhà nước quyết định chủ trương cơ cấu lại, phê duyệt phương án phục hồi, phương án xử lý pháp nhân đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Về miễn trách nhiệm đối với người tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt: Việc quy định về miễn trách nhiệm là cần thiết, tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ theo hướng chỉ được miễn trách nhiệm về "kết quả" của việc thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, khi phương án cơ cấu lại không đạt mục tiêu do nguyên nhân khách quan và những người này đã làm hết trách nhiệm của mình. Trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về nguồn lực, cần quy định đầy đủ về các nguồn lực được sử dụng trong quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó bao gồm cả việc sử dụng các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp sử dụng nguồn lực nhà nước, kể cả trường hợp cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay tái cấp vốn thông thường thì làm rõ các trường hợp phải sử dụng và phải được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Việc phân bổ lãi dự thu chỉ áp dụng đối với lãi dự thu phải thoái đã ghi nhận đến 31/12/2016 theo phương án cơ cấu lại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan; giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký, trình Quốc hội.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên