MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro nộp ngân sách lớn

Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro về thu nộp ngân sách nhà nước lớn.

Bộ Tài chính vừa ban hành công văn hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2020 cần tập trung vào những nội dung trọng tâm như: Thanh tra việc thực hiện thu nộp NSNN; chú trọng thanh tra chống thất thu thuế, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế.

Sẽ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro nộp ngân sách lớn - Ảnh 1.

Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro về thu nộp NSNN lớn; DN hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, nợ đọng thuế lớn; DN kinh doanh xăng dầu, điện lực, kinh doanh bất động sản; DN phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, các ngành nghề kinh doanh mới, đặc thù…; DN, tổ chức tài chính ngân hàng; DN đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá.

Ngoài ra, DN nhập khẩu các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn, giá cả không ổn định, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất xuất khẩu, gia công cho thương nhân nước ngoài; DN chế xuất cũng là đối tượng tập trung thanh, kiểm tra.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các DN có hoàn thuế lớn, các DN có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào NSNN.

Đối với công tác thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ chi NSNN, các đơn vị tập trung thanh tra việc bố trí, giao dự toán; quản lý, sử dụng và quyết toán các khoản chi NSNN, chú ý các khoản chi hỗ trợ từ NSNN, xác định các khoản chi NSNN còn lãng phí, không hiệu quả. Thanh tra, kiểm tra việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu, nguồn kinh phí dự phòng; công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí, hàng hóa cứu trợ phòng chống thiên tai, các khoản hỗ trợ từ ngân sách Trung ương,...

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá tài chính DN, Bộ Tài chính đề nghị chú trọng thanh tra, kiểm tra tính minh bạch của DN trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, trong việc thực hiện chế độ báo cáo, công bố thông tin, kê khai, nộp NSNN và hưởng các chính sách ưu đãi về thuế; đẩy mạnh công tác thanh tra giá, trong đó tập trung thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về giá, thuế nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu./.

Theo PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên