"Sẽ trình đề án thống kê kinh tế ngầm trong tháng 2 này"
Các hoạt động kinh tế quan sát được hoặc chưa được quan sát ở Việt Nam sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo trong thời gian tới...
- 26-01-2018Có nên gộp 'kinh tế ngầm' vào GDP?
- 16-01-2018Thống kê "kinh tế ngầm", cớ để nới rộng nợ công?
- 10-01-2018Yêu cầu lập đề án thống kê "kinh tế ngầm"
"Các hoạt động kinh tế quan sát được hoặc chưa được quan sát ở Việt Nam sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo trong thời gian tới. Trên cơ sở nghiên cứu ban đầu, Bộ đã xây dựng đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát và hiện đang xin ý kiến các bộ ngành liên quan. Dự kiến Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành đề án ngay trong tháng 2 này".
Thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết sau khi ông nhận được câu hỏi từ báo giới về lộ trình thống kê giá trị của các lĩnh vực kinh tế ngầm.
Kinh tế "chưa được quan sát" gồm 5 dạng
Trao đổi với báo chí chiều 2/2, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Trong đó, Bộ phải làm rõ thế nào là khu vực kinh tế chưa được quan sát, đây là một khái niệm bao gồm 5 thành tố.
Thành tố thứ nhất bao gồm các hoạt động kinh tế ngầm, là những hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm có chủ ý, nhằm tránh phải nộp thuế (thuế thu nhập, thuế VAT), tránh đóng bảo hiểm xã hội, tránh thực hiện các quy định của Nhà nước, ví dụ như về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc tối đa, điều kiện sức khỏe cho người lao động… tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính cũng như thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê.
Thành tố thứ hai là các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, bao gồm các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm, ví dụ như sản xuất, buôn bán ma túy, buôn người… Các hoạt động kinh tế không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép thực hiện cũng thuộc vào các hoạt động kinh tế bất hợp pháp.
Thành tố thứ ba là hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia quá trình sản xuất hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu cơ bản là tạo công ăn việc làm, thu nhập cho những người thực hiện hoạt động kinh tế đó.
Các hoạt động này thường hoạt động quy mô nhỏ, tổ chức sản xuất đơn giản, ít có phân định rõ ràng giữa lao động và vốn của cơ sở kinh doanh với hộ gia đình. Mối quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động dựa trên nền tảng tạm thời, gia đình chứ không dựa trên hợp đồng chính thức.
Thành tố thứ tư là hoạt động kinh tế hộ gia đình, tự sản tự tiêu của hộ gia đình bao gồm các hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tự tiêu dùng và tích lũy cho chính những thành viên trong gia đình (như trồng trọt, chăn nuôi, hoạt động tạo ra sản phẩm vật chất khác phục vụ nhu cầu trong hộ gia đình), các hoạt động xây nhà để ở, tự sửa chữa nhà, tự tích lũy tài sản cố định khác, hoạt động giúp việc cho gia đình.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, cần lưu ý một số hoạt động do hộ gia đình tự làm để phục vụ đời sống hằng ngày không được coi là hoạt động phi kinh tế (như nấu cơm, lau nhà, giặt quần áo…). Tuy nhiên, nếu những việc này được thực hiện bằng hình thức thuê người ngoài làm thì được tính là hoạt động kinh tế phi chính thức.
Thành tố thứ năm là hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản, bao gồm cả các hoạt động kinh tế đáng lý phải thu thập thông tin nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập số liệu do điều tra không bao phủ đầy đủ phạm vi hoặc đối tượng điều tra không hợp tác…
"Siêu Ủy ban" sẽ khác SCIC
Cũng tại buổi họp báo, trao đổi thêm về một số nội dung liên quan đến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - cơ quan vừa được Thủ tướng chỉ đạo thành lập, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 66 về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng và có nhóm giúp việc gồm có Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan.
Tại cuộc họp Chính phủ hôm nay, Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ về nghị quyết thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các thành viên Chính phủ đã đồng ý thông qua nghị quyết này.
Dự kiến Chính phủ sẽ thông qua nghị quyết về chức năng nhiệm vụ của Ủy ban trong quý 2/2018.
Còn mô hình của Ủy ban này khác với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), bởi SCIC chỉ là một mô hình về quản lý và kinh doanh vốn Nhà nước. Còn đây là Ủy ban quản lý tổng thể. Đặc biệt tổng tài sản Ủy ban này quản lý là khoảng 5 triệu tỷ đồng, một con số rất lớn. Đây là định chế bao trùm, có những văn bản quy phạm pháp luật sẽ được xây dựng bao quát toàn bộ vấn đề này.
Vneconomy