MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Shark Dũng trước khi thành "cá mập": Học Ngoại thương, làm coder ở FPT, đi từ quê lên phố rồi ra nước ngoài, đều đau đáu lý tưởng phải làm chủ đời mình

30-08-2018 - 12:04 PM | Doanh nghiệp

Chỉ khi luôn luôn tiến lên phía trước thì bản thân mới không bị thụt lùi. Bởi khi thụt lùi đồng nghĩa với việc không còn an toàn nữa.

Muốn vượt qua vùng an toàn cần có lý tưởng

"Thực ra thì về cơ bản con người là lười. Nếu không có buổi này chắc tôi phải ngủ tới 2h chiều mới dậy, thì đấy là vùng an toàn", shark Nguyễn Mạnh Dũng hài hước mở đầu câu chuyện chia sẻ về khái niệm vùng an toàn trong chương trình gặp gỡ "Đối mặt thách thức" mới đây.

Theo vị giám đốc trẻ tuổi của Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Việt Nam, vùng an toàn là nơi mình cảm thấy không muốn làm bất cứ điều gì nếu không có ai thôi thúc mình hoặc lý tưởng nào đó dẫn dắt.

"Chính vì thế để có gì đó thôi thúc mình vượt qua vùng an toàn đấy thì mình phải có lý tưởng", shark Dũng nhấn mạnh.

Lấy ví dụ từ chính bản thân mình, shark Dũng cho biết lý tưởng ban đầu của anh là khi ở nông thôn bước ra Hà Nội học, kiếm được cái nhà. Khi ở Hà Nội rồi, lý tưởng dẫn anh vượt ra Singapore rồi Tokyo.

"Nhưng dần dần thấy ở đâu cũng chán. Cuối cùng ước mơ của mình là làm cái gì cho cộng đồng làm cái gì cho giá trị xã hội. Đấy là những lúc mình bước ra khỏi vùng an toàn", anh chia sẻ.

Cùng quan điểm với shark Dũng, shark Thái Vân Linh cho rằng để vượt qua vòng an toàn, mỗi người đều buộc phải lựa chọn những gì có thể khiến mình khó khăn, hơi đau một tý.

Theo một lý thuyết thì vòng tròn an toàn là vùng không gian chúng ta cảm thấy thoải mái nhất, dễ chịu nhất. Chúng ta cảm thấy có rất ít rủi ro trong không gian đó và ở trong đó chúng ta thấy rất dễ dàng, dễ chịu. Tuy nhiên khi chúng ta bước ra khỏi vòng tròn an toàn thì câu chuyện bắt đầu với những thách thức, với những gian khó.

Shark Dũng trước khi thành cá mập: Học Ngoại thương, làm coder ở FPT, đi từ quê lên phố rồi ra nước ngoài, đều đau đáu lý tưởng phải làm chủ đời mình - Ảnh 1.

Học ngoại thương, làm coder đến nhà đầu tư công nghệ

Shark Dũng cùng quỹ CyberAgent được xem là bà đỡ mát tay cho nhiều startup công nghệ nổi tiếng tại Việt Nam như Vatgia, NhacCuaTui, Batdongsan, Vicare, Jupviec, Topica, Vexere, CleverAds, Luxstay... Tuy nhiên hiếm người biết anh vốn không xuất thân từ dân công nghệ.

"Vùng an toàn tôi bước ra đầu tiên là năm 2004 khi tôi làm cho một công ty của Nhật, vị trí trưởng phòng xuất nhập khẩu. Tại thời điểm đấy với một sinh viên Ngoại thương ra trường thông thường sẽ muốn làm việc mình được học, có thu nhập cao, có vị trí nhưng cuối cùng tôi cũng thấy không có gì thú vị cả. Công việc giống như một cỗ máy làm đều đều", shark Dũng nhớ lại.

Cuối cùng anh quyết định nghỉ việc chỉ đơn giản bởi không thích và chuyển sang FPT làm một coder. Đây là một công việc theo shark Dũng đánh giá cũng thú vị nhưng vẫn chưa có gì mới với anh. Anh quyết định bỏ việc và dồn tất cả tiền có tại thời điểm đó để du học ở Nhật với một giấc mơ sẽ nói được tiếng Nhật tốt nhất có thể.

"Đấy là lúc tôi nghĩ rằng tôi là CEO của cuộc đời tôi nếu thất bại tôi về làm thuê cũng được", shark Dũng chia sẻ triết lý cuộc đời mình. Sau khi sang Nhật, vùng an toàn của chàng trai trẻ được gỡ bỏ và dần dần anh có được rất nhiều thứ.

Cuối năm 2007, đầu 2008 shark Dũng tham gia CyberAgent đúng thời điểm nhiều công ty khởi nghiệp chưa hiểu thế nào là quỹ đầu tư và khá hoài nghi. Năm 2008 cũng là thời điểm khủng hoảng xảy ra, khi shark Dũng và CyberAgent mang tiền đến đầu tư thì các startup thậm chí còn lòng tốt của các quỹ cũng như đặt câu hỏi tại sao lại mang tiền đến cho họ.

Từ đây, shark Dũng cho rằng vùng an toàn của các startup chính là vượt qua suy nghĩ của mình. "Giống như nhiều bạn nghĩ làm nhà nước là an toàn nhưng thực ra tôi thấy không an toàn, giống như câu nói Công là cách tốt nhất của Thủ", shark Dũng kết luận.

Theo anh, chỉ khi luôn luôn tiến lên phía trước thì bản thân mới không bị thụt lùi. Bởi khi thụt lùi đồng nghĩa với việc không còn an toàn nữa. Chính vì thế startup không chỉ với ngành công nghệ mà theo giám đốc quỹ CyberAgent Việt Nam và Thái Lan cần luôn luôn làm cái gì mới, tạo ra giá trị, sợ thụt lại sau.

"Mình làm chủ cuộc chơi, làm chủ cuộc đời mình là an toàn nhất", anh đúc rút lại.

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên