Shopee, Tiki, Lazada,… sẽ phải nộp thuế thay cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng của mình
Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính mới ban hành đã nêu rõ những quy định mới liên quan đến việc thu thuế đối với các sàn thương mại điện tử.
- 16-06-2021Người may đo, cắt tóc, gội đầu... sẽ chịu mức thuế ngang với người viết phần mềm doanh thu hàng trăm tỷ?
- 16-06-2021Từ 1/8: May đo, cắt tóc, gội đầu... chính thức phải đóng thuế 7%
Điểm đáng chú ý được đề cập trong Thông tư 40 là các chủ sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm kê khai thuế, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh.
Cụ thể, dựa trên phương pháp khấu trừ tại nguồn, các sàn thương mại điện tử sẽ khấu trừ luôn phần thuế phải đóng trước khi chuyển tiền bán trả về cho các cá nhân kinh doanh.
Quy định mới sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh. Đồng thời tăng cường quản lý, chống thất thu thuế với nhóm đối tượng này.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lan Anh – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá nhân kinh doanh, Tổng cục Thuế: "Quy định này tương đối là khả thi. Vì trong quá trình xây dựng Thông tư, Tổng cục Thuế đã tiến hành những cuộc khảo sát, trao đổi với các lãnh đạo các sàn thương mại điện tử. Việc ban hành những quy định này sẽ làm giảm đầu mối kê khai, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người nộp thuế lẫn cơ quan thuế".
Trong thời gian chưa thực hiện ngay được việc kê khai, nộp thuế thay, các sàn thương mại điện tử phải cung cấp thông tin liên quan đến các cá nhân kinh doanh cho cơ quan thuế như: địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan…
Theo thống kê, trung bình hiện nay có tới 35 triệu giao dịch/ngày qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây sẽ được coi là biện pháp "siết chặt" các hoạt động bán hàng qua thương mại điện tử của các cá nhân kinh doanh, bởi trước đó có không ít cá nhân có phát sinh thu nhập cao từ kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa đi kê khai và nộp thuế.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về thương mại điện tử thuộc Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông để hỗ trợ các sàn giao dịch thương mại điện tử triển khai thực hiện việc kê khai, nộp thuế và cung cấp các thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã lưu ý, đây là lần đầu tiên Hiệp hội và các hội viên được tiếp cận tới Thông tư này. Lãnh đạo VECOM nhấn mạnh các nội dung kiến nghị trong công văn của VECOM gửi tới Bộ Tài chính ngày 7/6/2021. Các kiến nghị này xuất phát từ đóng góp của các sàn giao dịch TMĐT và các bên liên quan. Mong muốn của VECOM là đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên, vừa tuân thủ Luật quản lý thuế, vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử và đặc biệt là tính khả thi của các quy định pháp luật mới.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng Thông tư 40/2021/TT-BTC có nhiều nội dung mới so với bản dự thảo đăng tải đầu tiên ngày 12/03/2021 nhưng Ban soạn thảo chưa tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Do đó, một số quy định trong Thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn.
Cùng với kiến nghị của VECOM, đại diện các sàn giao dịch TMĐT cũng mong muốn được giải đáp thắc mắc về nội dung qui định cũng như nghĩa vụ của các sàn, bao gồm chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Theo đại diện các sàn TMĐT, sàn giao dịch thương mại điện tử không phải là đơn vị “trả thu nhập” mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch.
Vì vậy không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1, Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trong các trách nhiệm của sàn TMĐT theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, không có trách nhiệm phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán. Nghị định 52 cũng nêu rõ người bán trên sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”.
Một trong những nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 52 coi các mạng xã hội cung cấp dịch vụ bán hàng là sàn TMĐT, như vậy nếu theo Thông tư 40/2021/TT-BTC các mạng xã hội kể cả của các nhà cung cấp nước ngoài cũng phải kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh. Các sàn TMĐT cũng nêu kiến nghị về việc khó khăn khi kê khai thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn khi họ có thể là cá nhân ở các địa phương khác nhau trên toàn quốc khi tham gia kinh doanh trên sàn.
Theo Điều 45 Luật Quản lý thuế, cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh. Trong khi đó, các sàn TMĐT có thể có địa điểm kinh doanh ở tỉnh khác (thường là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Vậy, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành trong trường hợp cá nhân kinh doanh có trụ sở tại tỉnh khác. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương.